Huyện Bắc Hà có nhiều dân tộc: H'Mông, Tày, Nùng, Dao, Phù Lá, La Chí... cùng sinh sống với các lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian, nghành nghề thủ công như: dệt thổ cẩm, nấu rượu, làm cốm, làm bánh chưng… trở thành ưu thế để phát triển du lịch cộng đồng.
Cốm ở Bắc Hà là món ăn nổi tiếng của đồng bào dân tộc Tày, được làm theo phương pháp truyền thống nên hạt cốm dẻo, màu xanh tự nhiên và có hương thơm đậm đà. Lúa làm cốm thường là nếp nương, khi ngắt về, hạt lúa nếp phải còn chút sữa ở đầu hạt, vỏ mới ngả màu hơi lam vàng, như vậy cốm mới đạt độ dẻo thơm. Lúa khi được cho vào nồi rang xong phải mang giã ngay, không được để nguội. Khi giã phải luôn tay đảo cốm từ trên xuống, dưới lên cho đều, như vậy mới có được những hạt cốm óng mượt, xanh mướt. Cốm Bắc Hà được gói bằng lá dong tươi, giúp bảo quản được lâu mà vẫn đảm bảo độ thơm, dẻo.
Các đại biểu tham quan khu trưng bày sản phẩm cốm và bánh chưng đen
Bánh chưng đen Bắc Hà là đặc sản của đồng bào dân tộc Nùng. Bánh được làm từ nhiều nguyên liệu, nhưng có một loại nguyên liệu đặc biệt bột than cây Núc Nác làm nên sự khác biệt. Núc Nác vừa là cây thực phẩm, vừa là cây thuốc vô cùng quý trong văn hóa chữa bệnh của người Việt. Bột than cây Núc Nác đã tạo cho bánh một hương vị vô cùng độc đáo, có tác dụng thanh nhiệt. Bánh chưng đen Bắc Hà có vị béo ngầy ngậy của thịt lợn ba chỉ, dậy mùi thơm của thảo quả và nếp nương, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo.
Các cá nhân, hộ gia đình được trao chứng nhận nhãn hiệu
Vùng sản xuất sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Cốm Bắc Hà” và “Bánh chưng đen Bắc Hà” bao gồm các xã: Na Hối, Tà Chải, Cốc Ly, Nậm Mòn, Bản Liền, Tả Củ Tỷ, thị trấn Bắc Hà. Sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận được đảm bảo về nguồn gốc xuất xứ và các tiêu chí về chất lượng sản phẩm.
Những năm gần đây, sản phẩm ”Cốm Bắc Hà” và “Bánh chưng đen Bắc Hà” đã trở thành sản phẩm mũi nhọn và có lợi thế xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội tại các xã vùng cao của huyện Bắc Hà. Để tăng hiệu quả kinh tế của các sản phẩm này, Huyện Bắc Hà đã phát triển đồng bộ chuỗi giá trị thông qua xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu sản phẩm, từ đó thúc đẩy quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Nguồn tin: Theo Tạp chí Kinh tế Nông thôn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn