Quang cao giua trang

Một vòng thung lũng Cốc San

Thứ ba - 22/05/2018 08:38
Tôi có quen một lão nông người cùng quê Hà Nam lên Cốc San (Bát Xát) khai hoang làm kinh tế từ những năm 60 của thế kỷ trước, hiện cư trú tại thôn Tòng Chú 2 xã Cốc San. Ông là người kiên định, dẻo dai có thâm niên đến 15 lăm liên tục làm Bí thư Chi bộ và Trưởng thôn. Có lần tôi đã trêu ông về cái sự “tham quyền cố vị” cái chức trưởng thôn quèn. Ông phân bua: Rằng muốn nghỉ mà không được. Hôm rồi nghe nói ông vừa vượt qua cơn bạo bệnh “thập tử nhất sinh” nên tôi đến thăm để động viên. Nhưng may, thần chết đã ưu ái cho người có tâm huyết với làng quê mà không “chấm sổ thiên tào”. Ông kể: Gần một năm nằm viện chiến đấu với căn bệnh ung thư tuyến giáp di căn, cuối cùng ông đã chiến thắng. Ông sôi nổi lạc quan, vui vẻ hài hước nói: Tôi phải chiến thắng bệnh tật để còn hưởng không khí làm công dân thành phố chứ, rồi cười khà khà. Nhìn ông khỏe mạnh và nhanh nhẹn, thấy mà mừng.
Mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Tân Sơn (Cốc San).

Cũng lâu rồi mới trở lại vùng quê này, nên nhấp nhổm muốn rong ruổi, xem làng quê có gì thay đổi. Bên ấm trà sen tỏa hương thơm phức, râm ran câu chuyện của người dân về mùa vụ, về cá mú, về những cách làm giàu và rôm rả hơn cả là câu chuyện mai này những nông dân chân chất Cốc San sẽ trở thành thị dân của thành phố. Cuộc sống sẽ ra sao? Mối quan hệ và ứng xử hàng ngày sẽ thế nào? Được gì và mất gì...? Bao nhiêu trăn trở, bao nhiêu lo toan hiện lên ở từng nếp mặt, nét cười. Tôi hiểu, người nông dân dù ở đâu, thời nào cũng thế, chưa bao giờ hết lo toan. Lo toan là phẩm chất cố hữu luôn canh cánh trong lòng của những người chân lấm tay bùn, một nắng hai sương. Trồng cây lúa, cây ngô mong trời mưa thuận gió hòa, không thiên tai địch họa, được mùa cầu mong đừng mất giá. Khi hỏi những người dân nơi đây khi họ trở thành thị dân? Ai cũng rạng rỡ phấn khởi. Được biết sau khi có chủ trương của tỉnh về đề án mở rộng địa lý thành phố để quy hoạch hướng phát triển lâu dài, cấp ủy, chính quyền Cốc San đã tiến hành cuộc bỏ phiếu trưng cầu ý dân. Kết quả đạt trên 95,7% đồng ý tán thành đề án mở rộng, toàn bộ xã Cốc San sẽ về thành phố. Vui thì vui đấy nhưng vẫn ẩn hiện đâu đó nét mặt với những lo toan thường trực. Ngoài những tốt đẹp, văn minh đô thị đem lại, đi theo là mặt trái của nó, đó là tệ nạn xã hội, rồi ô nhiễm môi trường… Những lo toan trăn trở của người dân đều có cơ sở.

Bà Lê Thị Thu, Chủ tịch Hội Nông dân xã dẫn đường, đưa tôi trọn vẹn một vòng Cốc San thăm thú. Đứng trên lưng đèo lộng gió ngắm về thung lũng Cốc San. Ôi thật tuyệt vời, cả một vùng quê thu gọn lại như một bức tranh thủy mặc mướt màu xanh cuộc sống. Bản làng vây quanh thung ven chân núi thanh bình và trù phú. Dòng suối ngòi Đum chảy uốn lượn như dải lụa vắt qua cánh đồng. Những ô vuông lấp lánh sóng bạc là khu nuôi thủy sản của doanh nghiệp cá giống. Những thửa ruộng trồng hoa hồng, hoa cúc, hoa ly trải dài theo triền đồi, những khu nhà kính trắng vây kín để trồng dưa Mỹ, cà chua, rau sạch theo mô hình công nghệ cao của Israel. Chúng tôi đứng đó mải mê ngắm, mải mê tận hưởng gió mát cuốn lên từ phía thung núi mang theo hương hoa dịu êm, mang theo hương lúa đang trổ đòng. Bỗng thấy lòng mình xốn xang, chộn rộn về miền quê thanh bình, yên ả dưới chân núi. Nơi ấy những người nông dân chân chất, một nắng hai sương, cần cù chịu khó. Họ đang nỗ lực bứt phá mạnh mẽ cả cách làm, nếp nghĩ. Cuộc chuyển mình để sẵn sàng hành trang cho việc nhập tịch trở thành những công dân của thành phố Lào Cai anh hùng.

Cốc San có 1.912 ha đất tự nhiên với 4.340 nhân khẩu cư trú trên 11 thôn bản, có 2 dân tộc chính, dân tộc Giáy chiếm 54% còn lại người Kinh từ các tỉnh: Hà Nam, Nam Định, Hải Phòng... lên xây dựng kinh tế mới từ những năm 60 của thế kỷ trước. Thường thì nhiều người chỉ đi qua trên Quốc lộ 4D biết về Cốc San những gì phô ra ở phía ngoài đơn giản. Chính phía trong của Cốc San mới là cốt cách, thuần khiết, tiềm ẩn vẻ đẹp, nội lực hấp dẫn của làng quê.

Vùng đất quần tụ dân cư dưới chân núi đang chuyển mình đổi thay nhanh chóng. Suốt dọc Quốc lộ 4D nhà cửa xây mới khang trang, cửa hàng cửa hiệu mở ra san sát. Các đoàn xe chở du khách nối đuôi nhau từ khu du lịch Sa Pa ra vẫn không quên dừng nghỉ tại Cốc San mua sắm những đặc sản Tây Bắc trên hành trình về xuôi.  Khu tái định cư được quy hoạch ngay cạnh Quốc lộ 4D. Mặt bằng đẹp, gọn gàng, đường ngang lối dọc như bàn cờ, hạ tầng cơ sở từ điện nước, đến các công trình sinh hoạt cho cộng đồng được thiết kế đầy đủ theo tiêu chuẩn cấp thành phố.

Các thôn Tòng Chú, Tân Sơn, An San, Luổng Láo… đường bê tông nhẵn phẳng kết nối thành hệ thống giao thông nông thôn hoàn chỉnh. Kể cả các tuyến đường nội đồng cũng được bê tông hóa thuận tiện. Đi dưới nắng hạ, trong râm ran ve ngân, chúng tôi được trải nghiệm một khung cảnh làng quê thật thanh bình. Cốc San cứ như đứa con bị bố mẹ cho “ở riêng” đã biết tự lập, tự cường mà bứt phá trong xây dựng cuộc sống ấm no. Năm 2014, Cốc San cán đích chuẩn nông thôn mới. Hiện nay, người dân nơi đây đang duy trì và phát triển 19 tiêu chí lên tầm cao hơn, nâng số thôn nông thôn mới kiểu mẫu ngày một nhiều lên, tiến tới toàn xã nông thôn mới kiểu mẫu của huyện. Bình quân thu nhập đầu người mỗi năm gần 27 triệu đồng. Ngoài cây lúa cây ngô, Cốc San phát triển mạnh trang trại nuôi lợn, nuôi dê, trồng hoa và rau theo hướng công nghệ cao, hữu cơ an toàn.

Cơ sở sản xuất rau quả thực phẩm sạch của ông Vũ Văn Cường trên địa bàn thôn Tân Sơn là một điển hình với hơn 4.000 m2 nhà vườn thiết kế hệ thống tưới tiêu tự động nhỏ giọt, theo quy trình công nghệ cao. Mặc dù mới đưa vào sản xuất, tôi đã thấy những cây dưa Mỹ xanh tốt đang được công nhân bắt treo lên giàn. Nhìn thân dây leo mập mạp, mỡ màng quả sai lúc lỉu. Bên một dãy nhà khác những dàn cà chua đang kỳ ra trái mọng căng, đỏ ối. Ông Cường cho biết: Để có sản phẩm an toàn, trước tiên phải chuẩn quy trình, nước tưới phải sạch, lượng phân bón phải hợp lý về liều lượng và thời điểm, chủ yếu dùng phân sinh học hữu cơ. Một khâu quan trọng là không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sau cùng là công nghệ thu hái và cách bảo quản sản phẩm đến người tiêu dùng. Thì ra khoa học công nghệ đòi hỏi nghiêm ngặt, người nông dân thời nay phải có kiến thức thì mới làm giàu bền vững được.

Hiện Cốc San vẫn duy trì thế mạnh nuôi thủy sản, duy trì ổn định diện tích 40,8 ha mặt nước, trong đó có 30 ha đầu tư thâm canh năng suất cao, còn lại là bán thâm canh và trại cá giống. Từ thương hiệu có uy tín trên thị trường, nhiều địa phương đã chọn Cốc San là đơn vị cung cấp giống tin cậy để ký hợp đồng.

Con cá giống từ nơi này xuất đi nhiều nơi như Lai Châu, Sơn La, Yên Bái và lan truyền cả xuống các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội. Chỉ tính riêng vụ cá thương phẩm năm vừa qua toàn xã đã đạt sản lượng hơn 600 tấn, đem về doanh thu cho địa phương gần 30 tỷ đồng. Đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng sản phẩm sạch, Cốc San chuyển hướng sản xuất cá thương phẩm theo hướng chất lượng cao, an toàn.

Trước khi kết thúc một vòng thung lũng Cốc San, lúc đứng trên mỏm đá khu đồi cao nhìn xuống thung lũng, ông Nguyễn Viết Hợp, Chủ tịch UBND xã “bật mí” cho tôi nghe ý tưởng mới trong tương lai gần về Cốc San. Nhiều lắm những đề án, cây trồng vật nuôi, phát triển nông lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp… Song, tôi ấn tượng và đồng tình với ông về ý tưởng “Thung lũng ngàn hoa” gắn với du lịch sinh thái, dừng nghỉ nơi cửa ngõ phía Tây Bắc thành phố. Mai này, sản phẩm hoa, quả, rau sạch, thực phẩm mang dấu ấn Cốc San sẽ phục vụ cho thành phố, theo xe xuôi Hà Nội, ngược đèo lên khu du lịch quốc gia Sa Pa, sẽ níu chân du khách… Tôi tin hoàn toàn có thể, chỉ có điều cách làm phải độc đáo, phải quy hoạch tổng thể bài bản. Cần lắm những nhà đầu tư chiến lược vào Cốc San. Nếu ý tưởng thành hiện thực thì Cốc San sẽ là vị trí đắc địa trên con đường hội nhập của thành phố, khách thập phương sẽ chọn đây là điểm dừng lý tưởng trên hành trình Tây Bắc. 

Nguồn tin: Báo Lào Cai

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Văn bản nông thôn mới

48/TB-VPĐP

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản

Lượt xem:96 | lượt tải:32

49/TB-VPĐP

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản

Lượt xem:89 | lượt tải:21

1106/QĐ-UBND

Quyết định về việc ban hành sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mưới và huyện nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2022-2025

Lượt xem:356 | lượt tải:123

1397/TB-BNN-VPĐP

Thông báo dự kiến mục tiêu, nhiệm vụ thực hiên CTMTQG xây dựng NTM năm 2024 giao các tỉnh, thành phố trực thuộc TW

Lượt xem:468 | lượt tải:117

179-KH/BTGTU

Kế hoạch biên soạn, xuất bản cuốn sách "Gương điển hình tiên tiến trong xây dựng nông thôn mới và sản xuất nông nghiệp hàng hoá

Lượt xem:533 | lượt tải:133

07/KH-BCĐ

Kế hoạch truyền thông thực hiện chương MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai năm 2024

Lượt xem:514 | lượt tải:135

14/2022/NQ-HĐND

Nghị quyết Ban hành Quy định một số nội dung, mức chi thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Lượt xem:1098 | lượt tải:318

339/KH-UBND

Kế hoạch triển khai, thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình Mục tiêu quốc gia năm 2022 và giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Lượt xem:1083 | lượt tải:346

3572/QĐ-BNN-KH

Quyết định Phê duyệt Bộ Chỉ tiêu giám sát thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Lượt xem:1142 | lượt tải:576

2075/QĐ-UBND

Quyết định ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố "Thôn đạt chuẩn nông thôn mới" , "Thôn đạt chuẩn kiểu mẫu" trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2022-2025

Lượt xem:1146 | lượt tải:322
ntm
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây