Mường Khương tiếp tục duy trì 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu xã Nậm Chảy đạt chuẩn nông thôn mới năm 2025
Mường Khương là vùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai, là địa bàn ít có tiềm năng về du lịch, công nghiệp, thương mại để phát triển kinh tế. Căn cứ vào điều kiện thực tế địa phương huyện Mường Khương luôn xác định phát triển kinh tế nông nghiệp là mũi nhọn, động lực để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân, đồng thời có nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện thành công mục tiêu đó thời gian qua huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển các vùng sản xuất hàng hoá chủ lực, tập trung quy mô lớn, cụ thể như sau:
Thứ nhất, làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền về hiệu quả kinh tế của các ngành hàng chủ lực, tiềm năng mà huyện có lợi thế để phát triển; đồng thời triển khai các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển các ngành hàng chủ lực, tiềm năng của Trung ương, của tỉnh đến Nhân dân và doanh nghiệp trên địa bàn huyện biết, thực hiện.
Chè cây trồng chủ lực của huyện Mường Khương
Thứ hai, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh tham gia hợp tác liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản cho nhân dân. Qua đó tạo niềm tin để nhân dân yên tâm sản xuất.
Thứ ba, vận dụng, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ nhân dân để phát triển các ngành hàng chủ lực, tiềm năng về quy mô; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, như: nguồn vốn các các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn ngân sách tỉnh…, nguồn vốn của các doanh nghiệp, hợp tác xã.
Tổng diện tích dứa của huyện là 1.480 ha, sản lượng ước đạt 22.000 tấn/năm
Thứ tư, đặc biệt quan tâm, hỗ trợ, thu hút các nhà đầu tư đến xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, hợp tác liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân; hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển và nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu…
Thứ năm, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển các sản phẩm OCOP để tiêu thụ sản phẩm thuận lợi.
Từ việc triển khai đồng bộ 05 giải pháp nêu trên, sau 03 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 13 huyện Mường Khương đã thu được kết quả như sau:
- Cơ cấu cây trồng chuyển dịch mạnh mẽ từ cây có hiệu quả kinh tế thấp, đầu ra không ổn định sang phát triển các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, đầu ra ổn định. Cụ thể, sau 03 năm đã chuyển đổi 4.344ha sang phát triển các ngành hàng chủ lực, tiền năng (chè 1.980ha, dứa 882ha, quế 1.282ha, lúa séng cù 200ha)
- Giá trị sản phẩm/ha đất canh tác tăng 60 triệu đồng/ha năm 2021 lên 90 triệu đồng/ha năm 2024 (ước đạt).
- Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 52,74% năm 2021 xuống còn 33,19% năm 2023.
- Thu hút được 05 nhà đầu tư xây các cơ sở chế bến nông sản liên kết tiêu thụ sản phẩm ổn định cho nhân dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, trong quá trình triển khai thực hiện phát triển các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, huyện gặp 1 số khó khăn đó là:
- Quỹ đất đủ điều kiện để thụ hưởng các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp hàng hoá hạn chế do phần lớn diện tích đất quy hoạch cho nông nghiệp trên địa bàn huyện dành cho lâm nghiệp (tổng diện tích đất quy hoạch cho nông nghiệp toàn huyện là 51.951ha thì diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 32.116ha chiếm 61%, đất trồng lúa, cây hàng năm khác, cây lâu năm là 19.681,65ha chỉ chiếm 37,88%)
- Thủ tục hồ sơ để thu hút các nhà đầu tư xây dựng cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn huyện phức tạp, mất nhiều thời gian để thực hiện (nếu thực hiện theo đúng trình tự quy định thì phải mất ít nhất 02 năm mới thực hiện xây dựng xong 01 nhà máy chế biến). Trong khi đó sản lượng các nông sản chủ lực đến kỳ thu hoạch rất lớn, nhu cầu tiêu thụ là cấp bách, rất cần có các doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến để tiêu thụ kịp thời cho nhân dân.