Quang cao giua trang

Lập làng

Thứ năm - 22/02/2018 14:37
Ngày xách theo con dao phát “hạ sơn”, 3 chàng thanh niên người Dao không thể ngờ rằng, rồi mai đây Làng Thanh niên lập nghiệp Lùng Vai được hình thành ngay trên những vạt đất đầu tiên mà họ phát quang ấy.
Một góc Làng Thanh niên lập nghiệp Lùng Vai.
Một góc Làng Thanh niên lập nghiệp Lùng Vai.

Cách đây 3 năm, tôi và đồng nghiệp có một chuyến công tác “để đời” khi mạo hiểm di chuyển bằng xe máy vào đường nối từ trung tâm xã Lùng Vai đến tuyến đường liên xã Bản Lầu - Nậm Chảy (Mường Khương). Sau trận mưa lớn, tuyến đường trở nên trơn trượt và khó đi. Xe chúng tôi gặp sự cố khi bị sa vào vũng bùn sâu. Dù có vít ga, đẩy thế nào thì bánh xe vẫn quay tròn, không chịu di chuyển. Được biết, tuyến đường này vốn ít người qua lại, nơi chiếc xe gặp sự cố, cách xa khu dân cư, chúng tôi đành bất lực chờ đợi. May mắn thay, chúng tôi gặp một người đàn ông đi cùng đường, không ngần ngại, anh giúp chúng tôi nhấc chiếc xe ra khỏi vũng lầy. Người đàn ông giải thích: “Mấy ngày vừa rồi, xe chở vật liệu vào để xây dựng làng thanh niên lập nghiệp. Chỗ này đất yếu, nên bị lún sâu, lát các cô quay lại thì tránh những hố nước lớn, di chuyển vào chỗ có đá, khó đi một chút nhưng an toàn”. Người giúp chúng tôi hôm ấy là anh Triệu Phúc Minh, một trong những hộ dân đầu tiên sinh sống tại nhóm dân cư Hền Tà (thuộc thôn Cốc Lầy), sắp tới sẽ được xây dựng thành Làng Thanh niên lập nghiệp Lùng Vai.

Anh Minh dẫn chúng tôi vào làng. Giữa bạt ngàn màu xanh tươi của núi đồi và màu những hạt ngô vàng óng vừa thu hoạch, anh Minh giới thiệu về làng của mình, ngôi làng chỉ có hơn chục hộ dân, với những ngôi nhà nhỏ mới dựng. Các hộ dân ở đây đều từ nơi khác chuyển đến, tìm vùng đất mới để an cư, lập nghiệp, bởi quê hương còn quá nhiều khó khăn. Ngôi nhà nhỏ của anh Minh được dựng bằng gỗ, nền nhà và sân đều là nền đất.

Trong chuyến công tác mới đây, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, bởi ngôi làng nhỏ bé giữa núi rừng ngày nào, nay như đã thay chiếc áo mới. Chỉ sau 3 năm, những ngôi nhà xây kiên cố, nhà cao tầng đã mọc lên với mái ngói đỏ tươi, màu sơn rực rỡ giữa rừng chuối bạt ngàn. Tại ngôi làng ấy, hơn 30 hộ dân từ nhiều nơi chuyển đến, điện được kéo về để thắp sáng các căn nhà, chạy máy tuốt ngô, máy xay xát, những chiếc ti vi, chiếc loa phát những bộ phim, bản nhạc về mùa xuân nghe rộn rã, đầy sức sống. Chúng tôi tìm gặp anh Chảo Lầu Pú, Bí thư Chi đoàn nhóm dân cư Hền Tà, 1 trong 3 thanh niên đầu tiên đến sinh sống tại ngôi làng này. Rót chén trà nóng mời chúng tôi, anh Pú giới thiệu về giống chè cổ thụ tại “làng cũ” của anh. Quê hương của anh Pú là thôn Mường Lum 1, xã La Pan Tẩn, một thôn nghèo cheo leo trên núi. Đó là nơi mà nhìn xuống những bản làng trù phú tại xã Bản Cầm (Bảo Thắng) thì gần nhưng phải đi bộ mất cả giờ đồng hồ mới đến nơi, còn nếu ngược lên trung tâm xã La Pan Tẩn thì lại cần tới 2 tiếng đồng hồ. “Không đủ đất sản xuất, không có điện, nước dùng theo mùa, người dân nơi đó cứ lần lượt đi tìm những vùng đất mới. Có người đi tận Đắk Lắk, nhưng xa quá, nên mình quyết tâm đi tìm vùng đất nào còn trống mà không quá xa quê để có nhớ còn tìm về”, anh Pú tâm sự.

Anh Pú ngược thời gian về năm 2010, kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện 3 chàng thanh niên là Chảo Lầu Pú cùng 2 anh em họ là Phàn Văn Minh và Phàn Choản Pú mang theo dao phát, khăn gói ra đi. Nghe ngóng được vùng đất giáp ranh giữa thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu và thôn Cốc Lầy, xã Lùng Vai trước đây là nương, nhưng đã bỏ hoang nhiều năm, 3 chàng thanh niên tìm đến và đề nghị nhượng lại quyền sử dụng 5 ha đất. 3 chàng thanh niên khi ấy đều hơn 20 tuổi, dựng chiếc lều nhỏ ven suối, ngày ngày leo đồi, ròng rã phát dọn, làm nương để trồng ngô. Những mảnh nương bỏ không nhiều năm, cỏ gianh mọc quá đầu người, cây vầu mọc lên thành đồi rậm, dần được phát quang. Những hạt ngô đầu tiên được gieo xuống, nảy mầm vươn lên mạnh mẽ, bám lấy đất cằn để trổ bắp, tiếp thêm sức lực cho 3 chàng trai trẻ tiếp tục vỡ đất, khai hoang, quyết tâm lập nghiệp trên mảnh đất mới này. Sau 3 mùa ngô thành công, họ quyết tâm chuyển nhà, cùng cả gia đình xuống mảnh đất mới này để sinh sống. “Đất lành chim đậu”, từ 3 hộ dân đầu tiên, những người cùng làng anh Pú cũng lần lượt chuyển đến để định cư, ổn định sản xuất. Những mảnh nương trước đây bỏ hoang được phát dọn, cây ngô, chuối, dứa mọc lên giúp cuộc sống người dân ngày càng đủ đầy. “Hền Tà nghĩa là ven suối. Chính từ túp lều ngày xưa chúng tôi dựng lên để trú tạm, những ngôi nhà mọc lên, giờ đây đã thành nhóm dân cư Hền Tà, thành một làng”, anh Pú chia sẻ.

Để tạo điều kiện cho người dân “an cư, lạc nghiệp”, Tỉnh đoàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với chính quyền địa phương đầu tư xây dựng khu vực nhóm hộ dân mới chuyển đến thành Làng Thanh niên lập nghiệp, sắp xếp dân cư biên giới. Theo đó, tuyến đường vào làng mới được mở rộng, rải cấp phối, điện được kéo vào thôn, công trình nước sạch, trường học được đầu tư xây dựng giúp cuộc sống thuận tiện hơn. Anh Pú dẫn chúng tôi tham quan ngôi làng gắn bó với bao nhiêu kỷ niệm từ những ngày xa quê, “hạ sơn” đi tìm vùng đất mới giữa núi đồi, lau lách đến khi nơi đây đã thành một làng. Anh Pú dẫn chúng tôi đến nhà anh Triệu Phúc Minh, người đã giúp đỡ chúng tôi cách đây 3 năm, hiện đang được bầu làm Trưởng nhóm dân cư Hền Tà. Ngôi nhà nhỏ lợp ngói brô xi măng ngày nào nay đã được thay thế bằng ngôi nhà xây kiên cố. Anh Minh vốn là người cùng làng cũ với anh Pú, nghe thông tin về vùng đất này, đã mạnh dạn chuyển xuống đây để sinh sống, từ đó đến giờ cũng được 5 năm. Anh Minh chia sẻ: “Từ ngày cùng anh em nhà Pú chuyển nhà xuống đây, cuộc sống đã đổi thay rất nhiều. Ngô phơi khô, lợn nuôi béo là có xe đến tận nhà để mua, con nhỏ chạy ù là đến trường. Tiện lợi nhiều thứ, nên làng cũng đông dần lên, không chỉ từ La Pan Tẩn, người dân ở Cao Sơn, Lùng Khấu Nhin cũng chuyển xuống đây sinh sống. Người Mông, người Dao, người Nùng đoàn kết với nhau để thành làng”.

Nhiều người chọn Cốc Lầy làm nơi an cư.

Hôm chúng tôi đến, làng có một hộ dân mới chuyển từ thôn Pa Cheo Phìn A, xã Cao Sơn xuống. Người dân trong thôn, họ hàng giúp gia đình mới đến dựng nhà, chuyển đồ đạc. Trong ngôi nhà mới dựng còn trống hoác bởi chưa có vách, chị Thào Pằng đặt chiếc kiềng, nhóm lửa để nấu cơm. Chị Pằng chia sẻ đầy kỳ vọng: “Ở làng cũ khó khăn quá, mỗi nhà một nơi, cách nhau cả quả đồi. Ngô trồng không bán được, lợn nuôi chẳng ai đến hỏi mua, chẳng chết đói, nhưng cứ nghèo mãi. Nghe thông tin có làng thanh niên lập nghiệp tại xã Lùng Vai, gia đình quyết tâm chuyển đến để bắt đầu một cuộc sống mới”. Rồi mai đây, chị Pằng sẽ cùng gia đình trồng chuối, trồng ngô, trồng chè, nuôi thêm lợn, gà… với hy vọng một ngày cuộc sống sẽ thay đổi, thoát khỏi cái nghèo đã đeo bám từ đời cha, đời ông.

Những hộ dân như gia đình anh Chảo Lầu Pú, Phàn Văn Minh, Phàn Choản Pú, Triệu Phúc Minh… đang đặt những “viên gạch” đầu tiên để xây dựng nên một ngôi làng. Mỗi ngôi làng đều có “linh hồn” riêng, được viết lên bởi những người đầu tiên lập làng. Rồi mai đây, những người con được sinh ra trên mảnh đất này như con anh Pú, anh Minh, có thể truyền tai nhau nghe câu chuyện về mảnh đất được gọi là Hền Tà, xuất phát từ túp lều nhỏ mà cha ông chúng đã dựng bên bờ suối. Ngôi làng ấy, những đứa trẻ sau này, có đi đâu, về đâu cũng có thể tha thiết gọi bằng hai tiếng “quê hương”.

Nguồn tin: Báo Lào Cai

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Văn bản nông thôn mới

48/TB-VPĐP

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản

Lượt xem:55 | lượt tải:22

49/TB-VPĐP

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản

Lượt xem:40 | lượt tải:15

1106/QĐ-UBND

Quyết định về việc ban hành sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mưới và huyện nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2022-2025

Lượt xem:321 | lượt tải:117

1397/TB-BNN-VPĐP

Thông báo dự kiến mục tiêu, nhiệm vụ thực hiên CTMTQG xây dựng NTM năm 2024 giao các tỉnh, thành phố trực thuộc TW

Lượt xem:441 | lượt tải:112

179-KH/BTGTU

Kế hoạch biên soạn, xuất bản cuốn sách "Gương điển hình tiên tiến trong xây dựng nông thôn mới và sản xuất nông nghiệp hàng hoá

Lượt xem:483 | lượt tải:127

07/KH-BCĐ

Kế hoạch truyền thông thực hiện chương MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai năm 2024

Lượt xem:463 | lượt tải:130

14/2022/NQ-HĐND

Nghị quyết Ban hành Quy định một số nội dung, mức chi thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Lượt xem:1041 | lượt tải:308

339/KH-UBND

Kế hoạch triển khai, thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình Mục tiêu quốc gia năm 2022 và giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Lượt xem:1038 | lượt tải:335

3572/QĐ-BNN-KH

Quyết định Phê duyệt Bộ Chỉ tiêu giám sát thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Lượt xem:1107 | lượt tải:558

2075/QĐ-UBND

Quyết định ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố "Thôn đạt chuẩn nông thôn mới" , "Thôn đạt chuẩn kiểu mẫu" trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2022-2025

Lượt xem:1092 | lượt tải:316
ntm
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây