Mặc dù là thôn đặc thù với 100% hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng với những cách làm sáng tạo của Ban phát triển thôn trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân; đến nay, thôn Bỗng 2, xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí của thôn nông thôn mới và là 1 trong 97 tập thể điển hình được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ghi nhận trong năm nay.
Với mong muốn tìm ra hướng đi mới giúp bà con trong thôn cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Cách đây hơn chục năm ông Triệu Tiến Định - Bí thư chi bộ thôn Bỗng 2 cùng các đồng chí lãnh đạo trong thôn đã tích cực đi tìm và đưa các loại cây trồng, vật nuôi mới vào thử nghiệm ở địa phương; trong đó có cây quế. Từ trên 3 ha quế mang lại hiệu quả kinh tế cao của gia đình ông Định, phong trào trồng rừng kinh tế trong thôn đã diễn ra sôi nổi. Diện tích trồng quế của thôn đã lên tới trên 200 ha quế, trong đó có nhiều diện tích đã cho thu hoạch. Từ phát triển cây quế, đời sống của bà con trong thôn được nâng cao, cả thôn có 57 hộ thì chỉ còn 8 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo. Thu nhập bình quân của người dân trong thôn đạt trên 35 triệu đồng/người/năm và Bỗng 2 hiện đang là thôn có thu nhập cao nhất ở địa phương. Đây là tiền đề quan trọng giúp thôn thực hiện hiệu quả công tác xã hội hóa, huy động sức dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Ông Triệu Tiến Định, Bí thư Chi bộ thôn Bỗng 2, xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên khẳng định: Nhân dân thấy có hiệu quả kinh tế cao, mình vận động toàn thể Nhân dân trồng cây quế. Từ phát triển kinh tế tốt lên, bà con có thu nhập cao lên mình vận động bà con hiến công, hiến sức, hiến của để làm những công trình phúc lợi cho nông thôn rất thuận lợi, vì bà con đã đủ năng lực để ủng hộ.
Và con số gần 1 tỷ đồng được Nhân dân trong thôn đóng góp bằng tiền mặt, ngày công lao động, hiến đất… để xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng của thôn như: Cứng hóa trục đường chính của thôn dài hơn 4 km; mở đường giao thông liên thôn; xây dựng nhà văn hóa… tromg 4 năm qua chính là minh chứng khẳng định cho thành công đó. Đặc biệt trong những tháng đầu năm nay, mặc dù đời sống gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid 19 nhưng bà con trong thôn vẫn xã hội hóa thực hiện xây dựng thành công gần 1,5 km đường hoa và hơn 1km đường điện chiếu sáng năng lượng mặt trời, trị giá 64 triệu đồng.
Xã Cam Cọn đã có 3 thôn nông thôn mới và với việc thôn Bỗng 2, thôn đặc biệt khó khăn với 100% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số hiện cũng đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí của thôn nông thôn mới chắc chắn phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương sẽ tiếp tục diễn ra sôi nổi. Từ đó, giúp xã sớm hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đề ra. Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên khẳng định:
'Từ các mô hình hiệu quả như thế, đảng ủy chính quyền địa phương cũng thường xuyên mời các thôn chưa hoàn thành đến thăm quan, học hỏi kinh nghiệm đặc biệt là ở thôn Bỗng 2 này. Xã cũng đăng ký với huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2022"
Cùng với cộng đồng dân cư, tùy thuộc vào điều kiện thực tế của gia đình, nhiều người dân ở các thôn, bản cũng tích cực tham gia đóng góp, ủng hộ chương trình xây dựng nông thôn mới, điển hình trong số đó có chị Ma Thị Đô ở thôn Lao Chải, xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai
Với phương châm “ đường mở đến đâu hiến đất đến đó”, trong 5 năm gần đây chị Ma Thị Đô ở thôn Lao Chải đã hiến trên 5.000 nghìn m2 đất “ ruộng xôi, bờ mật” của gia đình ở nhiều vị trí khác nhau để xã thực hiện mở mới, nâng cấp hệ thống đường giao thông nông thôn; trong đó có tuyến đường trục chính dẫn vào thôn Lao Chải. Chia sẻ về lý do tham gia hiến đất mở đường giao thông, chị Đô chia sẻ:"Mình hiến đất với tinh thần sẵn sàng mở đường cho bà con, đường mở đến đâu là hiến đến đó, mình làm trước rồi vận động bà con hiến đất cho có đường vào thôn."
Những con đường được mở mới, nâng cấp có 1 phần đóng góp không nhỏ của chị Đô đã góp pnaga hình thành đã tạo động lực thúc đẩy sự phát triển đi lên của mỗi thôn, xóm. Cùng với việc hiến đất làm đường giao thông chị Đô còn hiến đất phục vụ việc xây dựng sân vận động xã, nhà văn hóa thôn. Để có điều kiện ủng hộ xây dựng nông thôn mới, chị Đô đã mạnh dạn chuyển từ phát triển nông nghiệp truyền thống sang làm dịch vụ, thương mại. Qua đó, góp phần lan tỏa tinh thần chung sức xây dựng nông thôn mới ở địa phương, hiện nay xã Sán Chải đã hoàn thành 16/19 tiêu chí của xã nông thôn mới.
Dù được tôn vinh hay chưa được tôn vinh thì sự chung tay, ủng hộ của người dân vẫn chính là nền tảng vững chắc để các địa phương tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng chương trình xây dựng nông thôn mới địa phương để mỗi thôn bản trên địa bàn tỉnh đều sẽ thật sự trở thành những vùng quê đáng sống.