Thực hiện mục tiêu bảo vệ, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường khu vực nông thôn, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tích cực tuyên truyền, phát động Nhân dân thực hiện nhiều phong trào, mô hình bảo vệ môi trường. Tiêu biểu như thôn Mường Bo 1, xã Mường Bo. Đây là thôn trung tâm của xã có 153 hộ dân với 864 nhân khẩu. Thực hiện phong trào thi đua Chung sức xây dựng nông thôn mới, thời gian qua Nhân dân xã Mường Bo đã tích cực tham gia vệ sinh môi trường. Tuy nhiên vấn đề vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn xã và thôn Mường Bo 1 chưa có chuyển biến tích cực… Đầu tháng 10 vừa qua, Mường Bo 1 đã ra mắt mô hình “Nâng cao chất lượng về công tác cải tạo vệ sinh môi trường”. Mô hình có quy chế hoạt động và người dân ký cam kết về việc tham gia công tác bảo vệ môi trường, xây dựng các đường hoa, cây cảnh, thường xuyên làm công tác vệ sinh đường làng ngõ xóm 2 buổi /tháng, để tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Mô hình được thành lập người dân thường xuyên tổ chức khơi thông cống rãnh, nhà vệ sinh được làm mới, chuồng nuôi nhốt gia súc, hố rác được dựng xa nhà. Môi trường nông thôn đã từng bước được cải thiện, nhận thức của người dân được nâng cao, những hành vi làm mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường ngày càng giảm. Qua đó, sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân cũng dần được nâng lên. Bà Gì Thị Kinh, thôn Mường Bo 1 cho biết: Bây giờ người dân Mường Bo không thả gia súc ra đường nữa mà thực hiện nuôi nhốt nên đường làng lúc nào cũng sạch. Chị em chúng tôi còn trồng hoa ven đường để đường làng, ngõ xóm thêm đẹp.
Người dân nuôi nhốt gia súc là cách bảo vệ môi trường
Bên cạnh đó Sa Pa cũng phát huy tốt vai trò của các tổ chức, đoàn thể trong việc tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường. Đặc biệt với vai trò là lực lượng xung kích, ngay từ đầu năm, tuổi trẻ thị xã Sa Pa đã triển khai thực hiện Đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và thực hiện phong trào thanh niên tham gia Bảo vệ môi trường “Chống rác thải nhựa” năm 2021. Đoàn thanh niên thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đoàn viên, thanh niên hạn chế việc sử dụng túi ni lông, túi cúc đựng tài liệu bằng cách tái sử dụng túi, hoặc thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường hơn như túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần, túi tự phân hủy; không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong các hoạt động của cơ quan, đơn vị. Sử dụng cốc thủy tinh, cốc sứ hoặc phích, bình đựng nước dùng nhiều lần khi họp, tiếp khách; tuyên truyền, vận động người thân, gia đình, bạn bè cùng thực hiện "Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần".
Đồng thời Đoàn Thanh niên thị xã cũng tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt chi đoàn, chi hội,... để truyền thông kiến thức về thực trạng vấn đề ô nhiễm môi trường ở địa phương hiện nay, nguy cơ ô nhiễm nhựa và ni lông, ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe con người... Đoàn thanh niên đã đồng loạt tổ chức các hoạt động ra quân bóc dỡ biển quảng cáo rao vặt, hỗ trợ nhân dân thu gom vận chuyển vật liệu đất đá, bùn các loại, bóc gỡ 500 biển quảng cáo rao vặt trái phép. Chương trình “Ngày chủ nhật xanh” năm 2021 với 4 lần tổ chức tại 16 xã, phường với chủ đề: Tuổi trẻ Sa Pa nói không với rác thải nhựa; Làm cho thế giới sạch hơn đã huy động hơn 450 đoàn viên, thanh niên tham gia lao động vệ sinh, phát dọn cảnh quan, khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải nhựa với trên 28km đường giao thông nông thôn; tuyên truyền phân loại rác thải rắn tại nguồn tới gần 1.000 hộ dân trên địa bàn thị xã tham gia. Anh Trần Thanh Tú, Phó Bí thư Đoàn thanh niên thị xã Sa Pa cho biết: Đoàn thanh niên triển khai các hoạt động bảo vệ và cải tạo môi trường thời gian qua cũng gặp nhiều khó khăn. Việc sử dụng túi ni lông cũng như các bao bì sản phẩm nhựa dùng một lần đối với người dân đã trở thành thói quen hằng ngày nên khó thay đổi trong thời gian ngắn. Ngoài ra đa số người dân bán hàng tại chợ ít lựa chọn túi thân thiện môi trường để phục vụ kinh doanh vì giá các loại túi này luôn cao hơn so với túi ni lông. Vậy nên để thay đổi thói quen của người dân cần phải có thời gian và sự vào cuộc mạnh mẽ của các tổ chức.
Đoàn viên, thanh niên thị xã Sa Pa nhặt rác, bảo vệ môi trường
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững thị xã Sa Pa, hiện Sa Pa có 3/16 xã, phường đạt tiêu chí môi trường. Số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 79%, có 66% các hộ nuôi gia súc có chuồng nuôi nhốt gia súc đạt chuẩn…Việc thực hiên tiêu chí môi trường tại Sa Pa vẫn còn nhiều khó khăn do tập quán sinh hoạt của người dân vùng cao còn hạn chế, rác thải sinh hoạt chưa được thu gom, phân loại, đặc biệt là chất thải chăn nuôi, tình trạng thả rông gia súc còn khá phổ biến, một số xã sử dụng lò đốt rác tập trung chưa hiệu quả… Ông Nguyễn Hữu Đức, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Sa Pa cho biết: Việc bảo vệ và cải tạo môi trường cần sự vào cuộc, đồng lòng của toàn xã hội. Thị xã Sa Pa thời gian qua tăng cường các hoạt động tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân. Đặc biệt việc xây dựng mô hình điểm tự quản về “ nâng cao chất lượng về công tác cải tạo vệ sinh môi trường” tại thôn Mường Bo 1, tiến tới nhân rộng mô hình trên nhiều địa phương, chúng tôi mong muốn sẽ góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của người dân, thay đổi hành vi, tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, tạo cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp.