Nghe lời giới thiệu đầy sức hấp dẫn đã thôi thúc trí tò mò và niềm yêu thích du lịch của tôi. Vậy là, trong vai một dân phượt, tôi đã cùng bạn đồng nghiệp thong dong trên chiếc xe máy quen thuộc tìm đường về Sử Pán. Mùa này, lúa trên những tràn ruộng bậc thang đang thì con gái, những nếp nhà của đồng bào Mông ở Sử Pán ẩn hiện trong mây thật yên bình. Đất trời sau cơn mữa như trong và xanh hơn, mây cũng bồng bềnh tạo nên một vẻ đẹp khiến bất cứ ai được đến nơi này chắc hẳn cũng muốn lưu lại và ngắm cảnh. Những tia nắng ấm áp chiếu xuống khiến cho không gian của tuyến đường dẫn vào bản trở nên phong quang hơn.
Chủ tịch UBND xã Tẩn A Lềnh đưa chúng tôi tản bộ trên con đường bê tông uốn lượn dẫn vào thôn Hòa Sử Pán 1 phấn khởi khoe: Diện mạo nông thôn Sử Pán đã thực sự “thay áo mới” từ khi xã chủ trương vận động bà con tham gia mô hình du lịch cộng đồng. Hiện tại, xã đã xây dựng được 3 thôn làm du lịch là: Hòa Sử Pán 1, Hòa Sử Pán 2 và Vạn Sử Dền. Những nếp nhà truyền thống của đồng bào Mông đã được cải tạo khang trang, phục vụ nhu cầu khách nghỉ dưỡng. Từ khi đưa vào khai thác du lịch cộng đồng, những dịp nghỉ lễ, hầu hết những homestay ở Sử Pán đều được khách book lịch kín phòng trước cả vài tháng. Điều đặc biệt hơn cả, làm du lịch cộng đồng, cũng góp phần giúp đồng bào Sử Pán thực hiện hiệu quả những tiêu chí xây dựng nông thôn mới, minh chứng rõ nhất là sự thay đổi của các tiêu chí về nhà ở, môi trường, thu nhập…
Thấy chúng tôi băn khoăn về việc nhiều điểm du lịch cộng đồng mở ra được một thời gian lại vắng khách, anh Tẩn A Lềnh bảo: Chính vì cũng lường trước được điều ấy, nên xã đã tổ chức đi học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi trong tỉnh cũng như một số địa phương có nét văn hóa tương đồng. Đồng thời, xã xây dựng quy hoạch bài bản và lâu dài để phát triển mô hình này. Bởi thế, xã quy hoạch 3 thôn làm trước, trong đó có quy hoạch một “Làng cổ dòng họ Tẩn”, vận động bà con giữ nguyên nếp nhà truyền thống, giữ nguyên nếp sinh hoạt và cuộc sống thường nhật của những gia đình trong ngôi làng cổ đó. Đây sẽ là điểm trải nghiệm không gian văn hóa làng cổ cho khách du lịch khi đến nghỉ dưỡng tại Sử Pán.
Người dân Sử Pán chuẩn bị homestay đón khách
Ngoài việc, mỗi homestay đều làm cổng “nhận diện”, có biển tên, số nhà, số điện thoại của gia chủ, các gia đình còn được học cách làm du lịch, được tham gia những khóa tập huấn kỹ năng làm dịch vụ du lịch, đáp ứng yêu cầu phục vụ khách đến nghỉ dưỡng. Không chỉ đầu tư những homestay, để níu chân du khách và tạo nên sức hấp dẫn riêng cho Sử Pán, cấp ủy chính quyền địa phương đã tiến hành khảo sát và đưa vào những tuyến điểm du lịch nội xã như: Đường trecking lên rừng nguyên sinh Sử Pán, đường vào thác Ngựa Bay; tuyến đường trecking sang Khu du lịch Topas (Thanh Kim). Đồng thời sẽ đưa vào chương trình du lịch, tổ chức các hoạt động lễ hội thường niên như: Lễ hội khèn Mông; Lễ hội sáp ong (vẽ hoa văn thổ cẩm). Vào dịp hè, tổ chức cho du khách trải nghiệm làm ruộng bậc thang cùng nông dân. Đồng thời, vận động người dân tại các thôn khôi phục, giữ gìn và bảo tồn những nghề truyền thống của đồng bào Mông như: nghề rèn đúc nông cụ, nghề đan gùi, đan lát tre nứa, nghề nhuộm chàm, nghề thêu thổ cẩm, vẽ sáp ong trên vải chàm… Sẽ xây dựng những làng nghề truyền thống phục vụ du lịch, không chỉ làm nơi trình diễn và giới thiệu cho khách du lịch biết đến văn hóa bản sắc của đồng bào Mông Sử Pán, còn làm nơi để du khách có thể trải nghiệm trong thời gian lưu lại Sử Pán.
Gia đình chị Giàng Thị Phính, thôn Hòa Sử Pán 1 có 11 phòng nghỉ. Gần như lúc nào cũng đông khách. Nhất là vào dịp Tết nguyên đán, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, homestay của gia đình chị đều kín phòng. Chị Giàng Thị Phính chia sẻ: Từ ngày làm homestay, nhà mình ở cũng sạch đẹp khang trang hơn. Với giá dịch vụ niêm yết 100 nghìn đồng/người/tối (phòng đơn) và 200 nghìn đồng/tối 9 (phòng đôi) còn ngủ sàn là 70 nghìn đồng/người/tối. Mỗi tháng cũng cho gia đình một nguồn thu nhập ổn định 5-7 triệu đồng. Cũng vì mới làm nên gia đình tôi cũng như các hộ làm dịch vụ homestay ở Sử Pán đều mong muốn được tiếp cận và học thêm những mô hình ở các địa phương để vận dụng vào thực tế, làm tốt dịch vụ để đón khách cho chu đáo.
Khách du lịch quốc tế thăm homestay tại thôn Hòa Sử Pán 1
Từ du lịch cộng đồng với các mô hình homestay, nông thôn vùng cao Sử Pán đã khoác trên mình “chiếc áo mới” của sự đổi thay. Giờ đây, Sử Pán đã chính thức thêm một “nick name” trên bản đồ du lịch cộng đồng của Khu du lịch Quốc gia Sa Pa từ những nỗ lực và năng động của chính quyền địa phương, sự đồng thuận của lòng dân, biết khai thác lợi thế về thiên nhiên, cảnh sắc và bản sắc văn hóa để làm nên một điểm đến hấp dẫn, tạo cho khách du lịch những trải nghiệm tuyệt vời khi đến nơi đây… Với những định hướng đúng và bước đi, cách làm du lịch phù hợp theo kiểu “chậm nhưng chắc” mà Đảng bộ, chính quyền cũng như đồng bào Mông ở xã Sử Pán đang làm thì chắc chắn rằng trong tương lai sẽ xây dựng nên một thương hiệu du lịch bền vững hấp dẫn du khách thập phương.