Chị Đỗ Phương Thảo, phường Kim Tân (thành phố Lào Cai) tự cho rằng mình không phải người giỏi nội trợ. Thế nên, từ lâu nay việc đi chợ với chị là nhiệm vụ nặng nề vì luôn phải cố gắng “săn lùng” những mặt hàng an toàn để phục vụ gia đình. Chị Thảo chia sẻ: “Chẳng biết phải phân biệt như thế nào nên đi chợ tôi chỉ chọn các loại rau củ theo mùa. Mua rau xanh cố gắng chọn những mớ rau xấu mã, có sâu thì càng tốt vì rất nhiều người trồng rau lạm dụng thuốc kích thích, phun thuốc trừ sâu… Vì nhà có con nhỏ nên cứ nghe ở đâu có rau sạch, cá sạch… là tìm mua bằng được. Có sạch thật hay không cũng không biết nữa, nhưng ít nhất là tâm lý cảm thấy an tâm hơn”.
Chung tâm lý đó, nhiều người tiêu dùng loay hoay tìm kiếm nông sản sạch nhưng ngoài niềm tin của bản thân thì hoàn toàn không có cơ sở nào để lựa chọn. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác… đã bắt tay với nông dân để sản xuất và đưa ra thị trường các loại nông sản an toàn. Thế nhưng, do sản xuất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, việc xúc tiến thương mại gặp nhiều khó khăn nên dường như người sản xuất và người tiêu dùng vẫn chưa thể “gặp nhau”.
Khách tham quan và mua sắm tại khu trưng bày và bán nông sản sạch thành phố Lào Cai.
Trước thực trạng đó, Hội Nông sản sạch Lào Cai được thành lập, kết nối những đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản sạch, an toàn trên địa bàn tỉnh. Với phương châm “Hợp tác - Hài hòa - Hiệu quả - Hướng tới hữu cơ”, Hội Nông sản sạch đã tập trung triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm, kết nối, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản nhằm góp phần đưa những sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng. Hội Nông sản an toàn có sự tham gia của 58 hội viên, đa số là các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất và chế biến nông sản theo hướng an toàn. Các hội viên trong hội là các đơn vị tham gia sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị nông sản an toàn, đặc biệt là các sản phẩm thế mạnh của địa phương. Trong đó thực hiện liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm bắt đầu từ khâu dịch vụ đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm, thông qua hợp đồng liên kết sản xuất, có sự giám sát chất lượng của cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn với người tiêu dùng. Hội cũng đã làm việc với các đơn vị, doanh nghiệp, hiệp hội lớn ở các tỉnh, thành trên cả nước để ký kết hợp đồng tiêu thụ trao đổi hàng hóa hai chiều với phương châm tập trung vào một đầu mối, tiêu thụ hàng thông qua phương thức “Giỏ hàng chung” nhằm đa dạng hóa các mặt hàng phục vụ người tiêu dùng. Bên cạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, Hội Nông sản sạch cũng đã khai trương 2 khu trưng bày và bán các sản phẩm nông sản an toàn tại thành phố Lào Cai và thị trấn Sa Pa.
Ông Vương Tiến Sỹ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Chủ tịch Hội Nông sản an toàn tỉnh Lào Cai cho biết: Các sản phẩm sản phẩm được trưng bày và bán tại các gian hàng, khu trưng bày đều là những sản phẩm đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, các sản phẩm của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) do các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất có uy tín như: Rau an toàn của HTX Mai Anh, Hoa Đào Sa Pa, Cá nước lạnh của trại cá nước lạnh Thức Mai Sa Pa, Cao Atiso của Công ty Traphaco Sa Pa, gạo séng cù của HTX Tiên Phong Mường Vi, Tương ớt Mường Khương của HTX Hoa Lợi… Nhìn chung các sản phẩm tại các gian hàng đa dạng về chủng loại, được kiểm soát an toàn thực phẩm chặt chẽ từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ và được gắn tem truy xuất nguồn gốc đầy đủ. Trong thời gian tới, được sự quan tâm đầu tư của tỉnh, Hội sẽ chính thức tham gia hoạt động thương mại điện tử thông qua phần mềm hỗ trợ thương mại điện tử chỗi nông sản an toàn và các sản phẩm OCOP của tỉnh Lào Cai.
Với những nỗ lực “kết nối” các đơn vị sản xuất nông sản sạch với người tiêu dùng, Hội Nông sản an toàn đã tạo thêm thị trường cho các đơn vị sản xuất cũng như tạo địa chỉ tin cậy cho những “tín đồ” của thực phẩm sạch.