1. Chuồng trại
Chủ động gia cố, che chắn đảm bảo chuồng trại đủ ấm không bị mưa tạt, gió lùa và nền chuồng luôn khô ráo, sạch sẽ. Thường xuyên thay chất độn chuồng và hạn chế rửa chuồng (nhất là lợn con theo mẹ và lợn mới cai sữa). Cần dự trữ chất đốt như củi, trấu, mùn cưa để đốt sưởi ấm cho gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại. Chuẩn bị bao tải gai, bao tải dứa, chăn len để chống rét cho đàn vật nuôi.
2. Chăm sóc, nuôi dưỡng
* Đối với trâu bò:
- Cần cho trâu bò ăn đủ no (một con trâu bò trưởng thành cần ăn 10% khối lượng cơ thể thức ăn thô, xanh và 1% khối lượng cơ thể thức ăn tinh). Một trâu bò nặng 300 kg thì 1 ngày cho ăn 30 kg thức ăn thô xanh và 3 kg thức ăn tinh; Những ngày trời rét, để tăng cường sức đề kháng cần cho trâu bò uống nước ấm có pha thêm muối ăn với lượng 5 gam/100kg thể trọng/ngày.
- Vào mùa đông, lượng thức ăn xanh rất khan hiếm nên cần dự trữ rơm và các phụ phẩm nông nghiệp khác ngay sau khi thu hoạch để ủ chua và cho trâu bò ăn với lượng như sau: đối với trâu bò chăn thả cho ăn 5 - 6 kg/con/ngày, đối với trâu bò cày kéo cho ăn 10 - 15 kg/con/ngày và cho ăn thêm cỏ xanh, rơm.
- Bổ sung các loại vitamin ADE, Bcomplex, điện giải... để trâu bò tăng sức đề kháng, phòng chống dịch bệnh tốt hơn.
* Đối với lợn:
- Lợn con theo mẹ cần có ô úm để sưởi ấm cho lợn con, đảm bảo nhiệt độ trong ô úm 33 – 34 độ C.
- Cho lợn ăn đầy đủ thức ăn đảm bảo chất dinh dưỡng, uống nước ấm có bổ sung thêm muối ăn (NaCl) với lượng 0,1g/kg thể trọng/ngày. Thức ăn cần bổ sung thêm chất đạm trong khẩu phần ăn (chất đạm có nhiều trong đậu tương, bã đậu, tôm, cua, cá, thức ăn đậm đặc...).
- Bổ sung các loại vitamin ADE, Bcomplex, điện giải... để lợn tăng sức đề kháng, phòng chống dịch bệnh tốt hơn.
* Đối với gia cầm:
- Những ngày rét đậm, rét hại cần sưởi ấm cho gia cầm (đảm bảo nhiệt độ trong ô úm 33 – 34 độ C); không thả gà ra vườn khi trời rét, vườn ẩm ướt.
- Cho gia cầm ăn đầy đủ thức ăn, đảm bảo chất lượng (cân đối dinh dưỡng, không ẩm mốc...)
- Bổ sung các loại vitamin ADE, Bcomplex, điện giải... để tăng sức đề kháng của gia cầm, phòng chống dịch bệnh tốt hơn.
3. Về chế độ chăn thả
- Những ngày thời tiết có nhiệt độ từ 13 – 15 độ C hạn chế chăn thả trâu bò, cho ăn tại chuồng hoặc cho trâu bò đi muộn về sớm. Che chắn chuồng trại và sưởi ấm cho gia súc đặc biệt là gia súc non.
- Những ngày thời tiết rét hại dưới 12 độ C khi có sương muối và băng tuyết vào ban đêm, sáng sớm, nhốt gia súc trong chuồng, có che chắn và cho ăn, uống đầy đủ và sưởi ấm. Mặc áo chống rét cho trâu bò nhất là trâu bò già và bê nghé. Chỉ thả trâu bò ra ngoài khi đã tan sương, có nắng.
4. Chủ động phòng bệnh bằng vắc xin:
- Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho gia súc, gia cầm theo đúng lịch phòng bệnh để tăng khả năng miễn dịch cho vật nuôi.
- Sử dụng một số kháng sinh (được phép sử dụng của thú y) trộn vào thức ăn hoặc nước uống cho gia súc, gia cầm để phòng một số bệnh thường gặp khi thời tiết thay đổi đột ngột như: hen, suyễn, tụ huyết trùng, tiêu chảy...
5. Kiểm tra, theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi:
Hàng ngày bà con chăn nuôi cần theo dõi sức khỏe của đàn vật nuôi và có chế độ chăm sóc và điều trị kịp thời khi con vật ốm. Phát hiện sớm khi vật nuôi bị một số bệnh nguy hiểm như: tai xanh, lở mồm long móng, cúm gia cầm... phải báo ngay cho chính quyền địa phương và cán bộ thú y biết để xử lý kịp thời.
Trên đây là một số biện pháp kỹ thuật phòng chống đói, rét cho gia súc, gia cầm trong mùa đông. Các hộ chăn nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp trên để nâng cao sức đề kháng của đàn vật nuôi, hạn chế dịch bệnh xảy ra./.
Tác giả bài viết: Trần Thị Diện
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn