Gia đình anh Hoàng Văn Su là hộ nghèo ở thôn Bản 3. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng anh vẫn tự nguyện hiến hơn 3.600 m2 đất để mở mới 2 tuyến đường liên thôn. Gia đình anh đã đồng ý san lấp một phần diện tích ao nuôi cá ngay trước nhà để mở rộng đường. Anh Hoàng Văn Su tâm sự: Ao cá là một trong những nguồn thu quan trọng của gia đình. Tuy nhiên, vì việc chung của thôn, gia đình tôi không đắn đo, sẵn sàng hiến đất.
Ở thôn Bản 5, ai cũng biết hoàn cảnh gia đình bà Trần Thị Thái rất khó khăn, nhà ở xiêu vẹo. Cuối năm 2022, từ hỗ trợ của các nhà hảo tâm cùng đối ứng của gia đình, bà làm được căn nhà tình nghĩa. Mặc dù vậy, khi cán bộ thôn đến tuyên truyền chủ trương mở đường, bà đồng ý hiến đất để mở đoạn đường dài hơn 0,7 km đi qua nương sản xuất của gia đình.
Tuyến đường qua nương sản xuất của gia đình bà Thái rất quan trọng, kết nối xã Cốc Lầu (Bắc Hà) với xã Điện Quan và thông đến Quốc lộ 70. Vì vậy, việc hiến đất của bà Thái càng trở nên ý nghĩa khi bà đã giúp rất nhiều hộ 2 địa phương đi lại, giao thương thuận lợi. “Tôi nghĩ đường mở thì người dân trên địa bàn là những người hưởng lợi đầu tiên nên diện tích đất mà gia đình hiến có thấm vào đâu” - bà Thái bộc bạch.
Năm 2022, xã Điện Quan có 46 hộ nghèo và cận nghèo hiến đất làm đường. Dù còn nghèo nhưng với tấm lòng cao cả, nghĩa cử cao đẹp, chính họ đang mở ra cơ hội vươn lên và làm giàu cho rất nhiều hộ khác trên địa bàn.
Những tuyến đường phẳng lỳ như dải lụa trắng vắt ngang lưng đồi đã và đang tạo sự phát triển cho xã Điện Quan. Tuyến đường rộng mở cũng khiến lòng người rộng mở, vui vẻ hơn. Đơn cử như anh Hoàng Ngọc Tuynh ở thôn Bản 3 đã không tiếc nuối khi chặt bỏ hơn 3.000 cây quế 7 năm tuổi để làm đường. Chứng kiến các cháu nhỏ trong thôn và cả con của mình thảnh thơi đạp xe đến trường, xe ô tô chở nông sản bon bon trên đường mới, anh không giấu được niềm vui. Trước đây, con đường chỉ là lối mòn nhỏ hẹp, vừa đủ để đi xe máy, khi trời mưa chỉ có thể đi bộ. Việc vận chuyển phân bón hoặc khi thu hoạch lúa, ngô đều phải gánh hoặc chở bằng xe máy là chính, vừa vất vả, vừa tốn công.
Anh Hoàng Ngọc Tuynh hồ hởi: “Tấc đất, tấc vàng”, đó là tài sản quý, nhưng ai cũng tính toán, so đo thiệt hơn thì làm sao có được con đường này.
Theo ông Hoàng Ngọc Khiêm, Trưởng thôn Bản 3, ban đầu, một số hộ chưa nhận thức hết lợi ích của việc hiến đất làm đường, còn gây khó dễ. Vì vậy, chúng tôi đã tổ chức họp chi bộ, sau đó mời các gia đình đến để tuyên truyền, giải thích. Trực tiếp các đồng chí lãnh đạo xã cũng đến các hộ vận động, thuyết phục, nhờ vậy 40 hộ đã đồng tình hiến đất mở mới 3 tuyến đường.
Hiến đất làm đường đã trở thành phong trào được người dân xã Điện Quan tích cực hưởng ứng. Năm 2022, cán bộ và Nhân dân xã Điện Quan đã ủng hộ 95.000 m2 đất và cây cối, hoa màu trên đất có trị giá hơn 1,2 tỷ đồng để làm gần 32 km đường giao thông nông thôn. Có được kết quả trên, cấp ủy đảng, chính quyền xã Điện Quan đã vận dụng linh hoạt các hình thức tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên và người dân nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm và lợi ích của việc xây dựng nông thôn mới. UBND xã ban hành quyết định thành lập ban vận động, ban giám sát cộng đồng. Dịp cuối năm, xã đều trích kinh phí để động viên, khen thưởng những hộ hưởng ứng tích cực phong trào hiến đất làm đường.
Nguồn tin: Theo Báo Lào Cai
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn