Vùng đất Mường Khương (tiếng địa phương gọi là Mương Khang), dịch ra nghĩa là “đất thép”. Theo các vị cao niên trong vùng kể lại, tên gọi như vậy xuất phát từ thực tế đất đai tại địa phương dốc và nhiều núi đá, đất đá ở đây cỗi cằn và rắn chắc chả khác gì sắt thép. Vậy nhưng, vùng "đất thép" lại là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh Lào Cai về phát triển nông nghiệp hàng hóa với các loại cây trồng chủ lực và tiềm năng đặc biệt phù hợp với địa hình, thổ nhưỡng Mường Khương.
Trong số các trái cây đặc hữu của địa phương, quýt Mường Khương được ưa chuộng với đặc trưng trái to, vỏ mỏng, quả đều nhau, dậy mùi thơm, vị ngọt thanh, đặc biệt là rất mọng nước, là đặc sản nổi tiếng của vùng đất này. Đến Mường Khương vào mùa quýt chín, du khách sẽ lạc trong rừng quýt bát ngát, trải nghiệm thu hoạch và thưởng thức trái cây đặc sản này trong hương thơm lừng vấn vít không gian.
Thời điểm này, Mường Khương đang vào vụ thu hoạch quýt. Những vườn quýt mênh mông trải dài trên các sườn đồi ở thị trấn Mường Khương hay xã Tung Chung Phố... Ven các tuyến đường dẫn đến từng thôn, xã, dưới tán những cành quả chín trĩu nặng là thấp thoáng bóng dáng người dân địa phương đeo gùi thu hái quýt.
Nông dân vùng cao Mường Khương thu hái quýt
Mường Khương nằm ở độ cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển, lại có tiểu vùng khí hậu ôn đới, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khá lớn, sương mù và độ ẩm cao khiến cho chất lượng quýt và các loại trái cây có múi được trồng ở đây vượt trội hơn hẳn các nơi khác.
Vườn nhà chị Lò Dìn Phủng, thôn Lao Chải, thị trấn Mường Khương có 8.000 cây quýt, trong đó, quýt đang trong thời gian thu hoạch có khoàng 3.500-4.000 cây. Còn lại là những cây đang trong độ tuổi từ 1-3 năm. Chị Phủng cho biết, vụ quýt năm nay được mùa, được giá, dự ước, nhà chị thu hoạch được khoảng 30-40 tấn, rải vụ từ tháng 8 đến hết tháng 2/2023. Chị cho biết, giá quýt phải chăng, dao động từ 20.000 – 25.000/kg nên được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh rất ưa chuộng. Các chuyến hàng của gia đình gửi đi xuống thành phố Lào Cai và đi khắp các tỉnh miền Bắc nhờ chị tích cực quảng bá sản phẩm qua hệ thống mạng xã hội. Ngoài ra, sản phẩm của gia đình được các cơ quan chức năng liên hệ hỗ trợ tiêu thụ trên các sản giao dịch điện tử và trung tâm thương mại lớn ở Hà Nội.
Chị Phủng cho biết, doanh thu của gia đình từ quýt trong năm 2022 đạt khoảng từ 400 đến 500 triệu, gấp 10 lần so với trồng ngô. "Trước trồng ngô tại vườn này chỉ được 1-2 triệu mà bây giờ trồng quýt là phải thu được 10-20 triệu, cuộc sống ổn định hơn và con cái được đi học đầy đủ", chị Phủng chia sẻ.
Cũng như nhiều hộ trồng quýt khác trên địa bàn, hơn 4.000 cây quýt của gia đình anh Vàng Dỉ Mỉn, thôn Sa Pả, thị trấn Mường Khương được trồng theo phương pháp hữu cơ chuẩn VietGap nên không có thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật hay các sản phẩm kích thích tăng trưởng. Để áp dụng quy trình sản xuất quýt theo tiêu chuẩn VietGAP được thuận lợi, vào những thời điểm quan trọng của mùa quýt, anh Vàng Dỉ Mỉn phải sử dụng các kỹ thuật từ cắt tỉa cành, làm cỏ, chăm sóc quả tỉ mỉ cũng như luôn thực hiện nghiêm túc quy trình sản xuất nhằm bảo vệ thương hiệu quýt sạch Mường Khương. Bên cạnh cây quýt chín sớm và chính vụ đã và đang cho thu hoạch, gia đình anh đang tích cực chăm sóc cây quýt chín muộn cho thu hoạch từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau.
Anh Vàng Dỉ Mỉn cho biết, trồng rải vụ khiến nông dân trồng quýt không phải chịu áp lực tiêu thụ sản phẩm, lại tạo điều kiện cho du khách đến tham quan, thu hái tại vườn. Việc làm này giúp khách hàng yên tâm hơn và đảm bảo mua được đúng sản phẩm quýt Mường Khương, đồng thời chủ vườn cũng giảm được công thu hái để bán lẻ tại các chợ như trước đây.
Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT Lê Thanh Hoa huyện Mường Khương, tổng diện tích trồng quýt ở huyện Mường Khương thời điểm hiện tại là 815 ha. Trong đó, diện tích đang cho thu hoạch là trên 400 ha với sản lượng trên 5.000 tấn. Quả quýt đã góp phần nâng cao mưức thu nhập cho ngưười dân vùng cao Mường khương, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dưựng nông thôn mới ở vùng cao biên giới này.
Năm nay, quýt Mường Khương không chỉ được mùa mà giá cả cao hơn năm trước khoảng từ 2.000đ -3.000d/kg. Nhờ phong trào xây dựng Nông thôn mới, các tuyến đường liên thôn liên xã được mở thông suốt, rất tiện lợi cho việc vận chuyển hàng hóa nông sản nói chung và quýt nói riêng. Những năm trước, do ảnh hưởng dịch COVID-19, Phòng Nông nghiệp huyện tư vấn hướng dẫn bà con bán hàng thông qua các trang điện tử hoặc sử dụng điện thoại thông minh để giới thiệu và bán sản phẩm. Nhờ đó, hiện nay, bà con đã khai thác rất tốt lợi thế này để bán hàng, gửi hàng đi khắp nơi trên cả nước tạo thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Với sự tận tâm chăm sóc tỉ mỉ của người dân bản địa cùng sự ưu ái của thiên nhiên, quýt Mường Khương đã được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý và là sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao từ năm 2017.
Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mường Khương cho biết thêm, trong thời gian tới, không chỉ tập trung hướng dẫn bà con kỹ thuật sản xuất ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap và tiêu chuẩn hữu cơ, Mường Khương sẽ thành lập các tổ hợp tác liên kết sản xuất quýt tạo mối liên kết ngang giữa những người nông dân trồng quýt nhằm tiết kiệm chi phí đầu vào và hỗ trợ nhau về mặt kỹ thuật. Đồng thời, các tổ hợp tác này cũng sẽ có vai trò tăng cường liên kết dọc giữa những người nông dân và các tổ chức tiêu thụ quýt trên địa bàn huyện như các siêu thị hoặc các chuỗi cửa hàng hoa quả sạch./.