Hợp tác xã Lùng Phình tiên phong áp dụng khoa học công nghệ, trồng rau theo tiêu chuẩn Việt Gap
Lên cao nguyên trắng Bắc Hà bồng bềnh sương khói mùa đông lạnh không còn cảm giác hoang vu, tê tái như xưa bởi chứng kiến sự đói, nghèo, nương ruộng bỏ hoang, trai bản, thôn nữ bỏ lại con nhỏ bơ vơ, cha mẹ già yếu, móm mém, đói rách mép… để sang bên kia biên giới làm thuê đầy rủi ro… mà nay đã được khoác lên tấm áo mới của ấm no, trù phú khi những nương ruộng hoang xưa đã mọc lên những khu nhà kính, nhà lưới, nhà màng… khang trang, hiện đại trồng rau đặc sản, nhiều nhà dân trước vườn ruộng chỉ bỏ hoang chờ mùa hạ trồng lúa, ngô 1 vụ/năm nay đã được phủ xanh bởi vườn cải, su hào, hành lá… nhà nhà đoàn tụ, trai bản, thôn nữ, con thơ mừng vui, tíu tít bảo nhau ra vườn, lên nương chăm rau thu lời, cuộc sống đông này đã ấm no, sung túc…tất cả thể hiện sự đổi mới trong tư duy, nếp nghĩ, cách làm trong đời sống sản xuất của đồng bào vùng cao Bắc Hà.
Hào hứng đưa chúng tôi thăm thú miền cao nguyên trắng, ông Nguyễn Xuân Giang, trưởng phòng nông nghiệp huyện Bắc Hà cho biết: Vụ đông năm 2021, toàn huyện Bắc Hà đã gieo trồng 360ha cây rau màu, tăng trên 5 ha so với vụ đông năm 2020, trong đó chú trọng mở rộng diện tích cây rau đặc sản, áp dụng khoa học công nghệ, trồng rau mô hình công nghệ cao tại các xã Lùng Phình, Tả Chải, Na Hối, Nậm Mòn; tập trung vào các sản phẩm có thị trường tiêu thụ ổn định, tăng cường mở rộng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua các Doanh nghiệp, Hợp tác xã với các loại rau chủ yếu được thị trường ưa chuộng, hiện đang có giá thành cao như Rau ải bắp, su hào, rau đậu Hà Lan, cải Kale, cải ngọt, cải thảo, cải địa phương, súp lơ,...
Nổi bật trong đó phải kể tới việc năm 2017, cải kale được đưa về trồng tại Bắc Hà. Với khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, cải kale phát triển tốt, đem lại giá trị kinh tế cao. Từ chương trình hợp tác giữa tỉnh Lào Cai và tỉnh Lâm Đồng, huyện Bắc Hà đã cử nhiều đoàn công tác đến Lâm Đồng học hỏi, trao đổi kinh nghiệm phát triển nông nghiệp. Thấy giống cải kale được trồng nhiều ở Đà Lạt, trong khi Bắc Hà cũng có điều kiện khí hậu tương tự, đoàn công tác của huyện Bắc Hà đã nhập giống cải kale về trồng tại địa phương, giao Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện khảo nghiệm. Năm 2017, những vườn cải kale đầu tiên xanh tốt trên đất Bắc Hà, đến nay, toàn huyện đã có 5 ha trồng cải kale, tập trung ở Tà Chải, Na Hối, Lùng Phình, Tả Van Chư… với gần 70 hộ trồng.
Vụ đông năm 2021 này, Hợp tác xã Tả Van Chư đã đầu tư trồng 1.800 m2 cải kale ứng dụng công nghệ cao. Cải được trồng trong nhà lưới theo hướng hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Cải kale của hợp tác xã được trồng trong những chậu chứa đất dinh dưỡng phủ sơ dừa, mùn cưa, hệ thống tưới tự động. Anh Sần Sín Sài, công nhân hợp tác xã Tả Van Chư cho biết: Hợp tác xã rất quan tâm đến chất lượng rau cải kale, mỗi cây chỉ thu hoạch 1 lá, sau mỗi đợt thu hoạch thường kéo dài 3 tháng, hợp tác xã sẽ trồng lứa mới. Do vậy, cải kale do Hợp tác xã Tả Van Chư trồng có chất lượng tốt, rau mềm, ngọt, được người tiêu dùng ưa chuộng. Rau thu hoạch đến đâu được các cửa hàng thực phẩm sạch đặt mua đến đó. Trên mỗi túi rau đều được gắn mã truy xuất nguồn gốc.
Ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà khẳng định: Cây cải kale mới trồng ở Bắc Hà được khoảng 4 năm nhưng đã cho thấy giá trị kinh tế, là cây trồng 1 lần lại cho thu hoạch lâu dài. Ước tính, mỗi ha cải kale có thể cho thu 200 triệu đồng. So với một số loại rau khác, cải kale ít sâu bệnh, không mất quá nhiều công chăm sóc. Nhưng loại rau này có nhược điểm là trọng lượng nhẹ, rất mất công thu hái bởi mỗi cây thường chỉ thu được 1 đến 2 lá.
Dừng chân tại xã Lùng Phình quang năm mây mù sương khói, tới thăm Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Công nghệ cao Lùng Phình ở thôn Tả Chải. Qua tìm hiểu được biết HTX đã đầu tư làm nhà màng để trồng dâu tây và các loại rau củ trái vụ. Cùng với việc mở rộng quy mô, HTX đã chủ động đăng ký, cấp xác nhận sản xuất đảm bảo ATTP, tạo điều kiện ký kết các hợp đồng tiêu thụ trong hệ thống các siêu thị trên cả nước.
Từ khi bắt đầu triển khai dự án, HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Lùng Phình ứng dụng công nghệ cao trên 10.000 m2, dựng nhà màng che phủ để tổ chức sản xuất hai chuỗi sản phẩm chính là dâu tây và rau củ quả trái vụ. Hai chuỗi nông sản này tạo ra sản phẩm đặc trưng địa phương cung cấp cho thị trường và thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm sản xuất nông nghiệp tại cao nguyên Bắc Hà. Tại khu vực HTX tổ chức sản xuất, đơn vị đã gửi mẫu đất, nước để phân tích, đánh giá về mức độ an toàn, dư lượng hóa chất tồn dư trong đất cũng như các chỉ số lý hóa khác, đảm bảo để phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch. Cây dâu tây bắt đầu trồng từ tháng 9, sau đó chăm sóc để cuối tháng 11 cho ra hoa. Nhiệt độ cho dâu tây phát triển tốt nhất là từ 7 - 30 độ C. Trong đó, giai đoạn phân hóa chồi non ra hoa nhiệt độ từ 15 - 24 độ C cây sẽ cho quả.
Theo ông Đỗ Anh Sơn, Chủ tịch UBND xã Lùng Phình, các HTX đầu tư sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đã tạo công ăn việc làm, thu nhập, đóng bảo hiểm cho bà con. Những mô hình nông nghiệp công nghệ cao còn giúp bà con học tập, nhân rộng, trước mắt là sản xuất tại gia đình.
Đưa chúng tôi tới thăm khu chợ rau trung tâm huyện, trong không khí mua bán sôi nổi, ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà phấn khởi bảo : “Hiện bà con nông dân đã và đang thu hoạch và với nhu cầu cao của thị trường, giá rau tăng cao, huyện Bắc Hà ước tính giá trị sản xuất ước đạt trên 32 tỷ 400 triệu đồng, bình quân thu nhập trên đơn vị canh tác ước đạt trên 90 triệu đồng/ha.
Bên cạnh trồng cây rau màu, vụ đông năm 2021, huyện Bắc Hà còn sản xuất các cây trồng khác như: Cây ngô ngọt 30ha; Cây khoai lang 6ha; Cây khoai tây 2ha tạo thêm sản phẩm hàng hoá, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con nông dân địa phương; trồng Ngô dày 340ha đảm bảo nguồn thức ăn dự trữ cho đàn gia súc trong mùa Đông.
Đến nay, Vụ Đông đã trở thành vụ sản xuất chính mang lại hiệu quả kinh tế trên địa bàn huyện vùng cao Bắc Hà, góp phần nâng cao hệ số sử dụng đất, tăng giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác, tăng thu nhập, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống bà con nông dân và chủ động nguồn cung cấp thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong và ngoài huyện trong bối cảnh dịch bệnh Covid- 19 diễn biến phức tạp.