Tại xã Bản Liền, cây chè được người dân trồng và chăm sóc từ hàng chục năm trước theo phương pháp canh tác truyền thống. Cây chè được trồng rải rác trên các triền đồi thoải, người dân thường hái rồi chế biến thủ công thành chè khô, bán cho các tư thương trong xã, trong huyện. Vì vậy, thời điểm đó, giá trị kinh tế từ cây chè mang lại là không cao, người dân không mấy mặn mà với cây trồng này.
Thế nhưng, 10 năm trở lại đây, địa danh Bản Liền được gắn trực tiếp vào loại nông sản nức tiếng, đó là chè hữu cơ. Có thể nói, chè là sản phẩm đầu tiên “đặt nền móng” cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Bắc Hà. Để khẳng định được vị thế của mình trên thị trường, Công ty TNHH Hiệp Thành (doanh nghiệp phát triển chè hữu cơ tại Bản Liền) đã chọn hướng đi hoàn toàn mới so với sự phát triển chung của nông nghiệp thời điểm đó. Thay vì phát triển nông nghiệp hàng hóa, nâng cao sản lượng, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư xây dựng vùng chè Bản Liền thành vùng sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu. Năm 2004, những diện tích đầu tiên được công nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế, trở thành sản phẩm hữu cơ được chứng nhận đầu tiên của tỉnh Lào Cai. Đến năm 2008, Hợp tác xã chè Bản Liền được thành lập để liên kết sản xuất, tiêu thụ chè hữu cơ cho 184 hộ dân với tổng diện tích gần 300 ha. Đến năm 2020, Bản Liền có 422,6 ha chè hữu cơ, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân trong xã. Giá thu mua chè hữu cơ cũng luôn đạt cao hơn nhiều so với chè thường. Hiện nay, chè búp tươi hữu cơ được thu mua với giá khoảng 15 nghìn đồng/kg trong khi giá các loại chè thông thường chỉ đạt từ 6 – 7 nghìn đồng/kg.
Ông Phạm Quang Thận, Giám đốc Hợp tác xã chè Bản Liền cho biết: Sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Người dân phải tuân thủ theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt như không được sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vô cơ, hóa học, nguồn nước, không khí phải đảm bảo, không bị ô nhiễm… Mỗi năm, tổ chức nước ngoài sẽ thực hiện đánh giá lại vùng chè 1 lần, sản phẩm xuất khẩu được kiểm tra thường xuyên với chi phí rất cao. Sản phẩm chè của chúng tôi chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường rất khó tính tại châu Âu, châu Mỹ…
Người dân xã Nậm Đét sơ chế quế hữu cơ để xuất khẩu.
Trên “nền móng” được thiết lập từ cây chè, quế là sản phẩm thứ 2 tại Bắc Hà được chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ quốc tế với sự hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài. 2 năm trở lại đây, diện tích quế hữu cơ liên tục được mở rộng. Hiện nay, Bắc Hà có 3.000 ha quế hữu cơ, chủ yếu tại xã Nậm Đét. Hợp tác xã Quế hữu cơ Nậm Đét được thành lập để cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm cho người dân đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm từ cây quế, nâng cao thu nhập cho bà con. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều ngành hàng gặp khó khăn trong tiêu thụ song các sản phẩm từ quế hữu cơ Bắc Hà vẫn được giá, xuất khẩu thuận lợi. Cây quế cũng trở thành cây lâm nghiệp chủ lực của địa phương này, tạo việc làm, mang về thu nhập cao cho người dân các xã khu vực hạ huyện.
Theo ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Bắc Hà còn nhiều tiềm năng cho phát triển nông nghiệp hữu cơ. Trong những năm tới, diện tích nông nghiệp hữu cơ của huyện hứa hẹn sẽ tiếp tục được mở rộng vì còn nhiều dư địa. Cụ thể, trên địa bàn huyện còn hơn 100 ha chè tại xã Tả Củ Tỷ và gần 200 ha chè tại Bản Liền đang trong quá trình chuyển đổi, hướng tới công nhận đạt chuẩn hữu cơ trong những năm tới. Đối với cây quế, huyện Bắc Hà hiện có hơn 10.000 ha quế, chủ yếu đều sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, có thể đầu tư để công nhận đạt chuẩn. Ngoài chè và quế, các cây trồng khác như: rau, củ, cây ăn quả, dược liệu… cũng được khuyến khích hướng tới sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ để nâng cao giá trị.
Ông Nguyễn Xuân Giang khẳng định: Tiêu chuẩn hữu cơ là tiêu chuẩn được thị trường quốc tế ưa chuộng bởi tính an toàn và bền vững. Các loại nông sản hữu cơ xuất khẩu đều rất thuận lợi, được giá nên sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ là xu hướng toàn cầu. Đối với huyện vùng cao như Bắc Hà, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đặc biệt là thói quen canh tác truyền thống rất phù hợp để chuyển đổi theo hướng hữu cơ nên có thể nói đây là thế mạnh, tiềm năng trong phát triển nông nghiệp của huyện. Tuy nhiên, chi phí để chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ quốc tế là rất lớn, thời gian để tạo “bước đệm” cũng rất dài, phải mất 3 – 4 năm chuyển đổi nên diện tích được công nhận chưa cao so với tiềm năng. Ngành nông nghiệp đang nỗ lực khai thác những thế mạnh sẵn có để phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững.