Gian nan ngày đầu vỡ đất khai hoang
Gác lại công việc ở xưởng mộc của gia đình, trưởng thôn Vũ Văn Kỳ dẫn tôi sang nhà cụ ông Trần Văn Thố. Đã bước sang tuổi 90, nhưng cụ ông luôn nhớ như in ký ức những ngày mới lên miền đất dọc bờ sông Hồng, khai hoang phát triển vùng kinh tế mới. Quê ông ở Trực Ninh ( Nam Định), từng là bộ đội, rồi trở thành công nhân của nông trường Phú Xuân ( Hà Nội). Sau Chiến dịch Biên giới phía Bắc năm 1979, ông Thố và 5 công nhân khác tại nông trường mang theo sức trẻ và khát vọng chinh phục vùng đất mới cùng nhau ngược lên Tây Bắc. 6 người công nhân mỗi người một quê nhưng cùng quyết định dừng chân ở mảnh đất ven sông Hồng. Nơi này rộng mêng mông nhưng hoang vu chỉ toàn lau và sậy. Sau khi được sự cho phép của chính quyền địa phương, 6 hộ dân chia nhau mỗi người một khúc đất, rồi đặt tên cho mảnh đất ấy là Phú Xuân. “ Hồi đó chỉ lo không có sức mà khai hoang, chứ đất rộng, ai phát cỏ tới đâu thì đất nhà mình trải dài tới đó.” Ông Thố nhớ lại.
Cụ ông Trần Văn Thố ( ngồi giữa) kể lại cho thế hệ sau về quá trình vỡ đất khai hoang
Những ngày đầu mới đến vùng đất mới, tất cả các hộ đều làm ruộng và trồng sắn chỉ để phục vụ chăn nuôi. Cuộc sống trôi qua khá khó khăn do Phú Xuân ở hữu ngạn sông Hồng là bên lở, ít có phù sa vun đắp. Mảnh đất rộng toàn cỏ ranh và rắn rết ấy không dễ để lập nghiệp. Ông Thố nhớ lại những ngày đó, hầu như hôm nào cũng bắt được thú rừng, có ngày bắt được con trăn nặng 20 kg mang ra trung tâm xã đổi thuốc lào cũng chỉ được 3 lạng. Không thuận lợi cho việc canh tác, nhà ngay cạnh khe suối, ông Thố đóng một chiếc mảng, hàng ngày chở người qua lại. “ Vùng này hoang vu, vắng vẻ tới nỗi, tôi ngồi ở nhà từ sáng đến chiều cũng chỉ chở được 5 lượt khách qua suối. Lên khai hoang một thời gian dài, tôi tổ chức đám cưới cho con trai, mời cả làng tới dự mà chỉ ngồi đủ có 6 mâm cơm.” Đến nay, con suối đã được xây ngầm tràn, gọi là ngầm Khe Sang, hàng ngày tấp nập người qua lại.
Cuối những năm 80, Phú Xuân bắt đầu có đông người dân từ Nam Định, Hà Nam, Thái Bình… chuyển lên sinh sống. Năm 1990, nơi này có khoảng 20 hộ dân, đất được chia bớt cho các hộ dân mới và đổi tên Phú Xuân thành thôn Xuân Sang. Ông Thố là trưởng thôn đầu tiên của Xuân Sang, vì ít dân nên những người giữ vị trí chủ chốt trong thôn đều là người trong gia đình ông Thố. Bà Phạm Thị Thều, vợ ông ( nay bà đã mất) là Chi hội trưởng Chi Hội Phụ nữ. Sau khi ông nghỉ, nối tiếp công việc trưởng thôn của ông là con trai Trần Văn Long, con dâu Phạm Thì Hòa là y tá thôn bản.
Đến nay, 6 người đầu tiên “khai sinh”mảnh đất bên sông chỉ còn lại ông Thố và ông Lê Văn Oánh đều đã bước tới tuổi “xưa nay hiếm”. Câu chuyện về những người đầu tiên ngược sông Hồng lên Tây Bắc đi tìm “vùng đất hứa” năm nào nay đã là hồi ức trong lòng một thế hệ gian nan.
Nhịp sống mới ở Xuân Sang hôm nay
Rời nhà ông Thố, trưởng thôn Vũ Văn Kỳ đưa tôi đi một vòng quanh thôn, để ngắm nhìn sự chuyển mình của Xuân Sang. Sau nhiều năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, vùng đất hoang năm nào giờ đã “nở hoa”, những ngôi nhà xây khang trang, tiện nghi, những người dân hăng say lao động phát triển kinh tế. Hiện, Xuân Sang có 98 hộ, trên 300 nhân khẩu thì có đến 70 % là hộ khá, giàu. Trước kia người dân chỉ trồng lúa, ngô, bị ảnh hưởng bởi gió lào và đất lở nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Sau khi được đầu tư cơ sở hạ tầng, đường xá được bê tông hóa tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, địa phương đã thay da đổi thịt khi có nhà máy thu mua chế biến sắn đặt trên địa bàn. Cả thôn có khoảng 30 – 40 ha sắn khi 100% hộ dân trong thôn cùng trồng loại cây này.
Những năm gần đây, nhà nước có chính sách hỗ trợ khuyến khích người dân trồng rừng. Bà con Xuân Sang bắt đầu giảm diện tích trồng sắn, chuyển sang trồng cây bồ đề, quế. Sau hơn 5 năm, cả thôn đã có khoảng 150 ha rừng, các cây đều đã được người dân tỉa bán. Bên cạnh đó, Xuân Sang có 6 hộ mở xưởng gỗ bóc, không chỉ phát triển kinh tế gia đình còn tạo công ăn, việc làm cho nhiều người lao động địa phương.
Sau một hồi đi vòng quanh Xuân Sang, chúng tôi dừng chân tại một xưởng gỗ bóc, có quy mô lớn nhất, nhì trong thôn. Dù trời đã trưa nhưng chị Đinh Thị Nguyệt và lao động trong xưởng vẫn mang ván bóc ra phơi, tranh thủ một ngày nắng đẹp. Gia đình chị Nguyệt là một trong những hộ có xưởng gỗ bóc đang hoạt động hiệu quả. Giống như nhiều hộ dân khác, ban đầu chị cũng chỉ làm nông, hoặc đi làm thuê, từ cách đây 3 năm anh chị quyết định tự mở xưởng gỗ. Mỗi tháng xưởng xuất bán trên 200 khối ván bóc nên thời gian cao điểm chị thuê từ 15-20 nhân công. Mỗi người lao động đều có thu nhập từ 4,5- 5 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, gia đình chị cũng trồng hơn 2 ha bồ đề, trên 1 ha quế, hiện các cây đã được 5 năm và đang được tỉa bán. Cuộc sống gia đình chị Nguyệt từ một hộ loay hoay không tìm được hướng đi nay đã là gia đình khá, giàu tại Xuân Sang.
Chị Đinh Thị Nguyệt và nhân công tranh thủ phơi ván bóc
Trưởng thôn Vũ Văn Kỳ tâm sự: Người dân Xuân Sang nhận thức tốt, tiếp thu những chủ trương, chính sách của nhà nước từ lãnh đạo địa phương và thôn một cách linh hoạt; hăng hái tham gia phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Những năm gần đây, đời sống và thu nhập của người dân ngày càng tăng, xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất.
Không chỉ vậy, người dân Xuân Sang luôn có tinh thần đoàn kết, ý thức xây dựng đời sống văn hóa giữ gìn vệ sinh chung, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương. Năm 2018, người dân đã cùng chung sức thực hiện 600 m đường nông thôn, đến nay mọi con đường tại Xuân Sang đều được bê tông hóa. Luôn tự hào khi nhắc đến Xuân Sang, bà Trần Thị Liên, Chủ tịch UBND xã Tân An chia sẻ: Tôi không khỏi xúc động khi chứng kiến Xuân Sang đang đổi thay từng ngày, đời sống bà con ngày một ấm no. Tân An là xã về đích nông thôn mới vào năm 2018. Trong những năm qua, địa phương vẫn nỗ lực không ngừng để duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đã đạt và phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Một trong những thành quả đó có sự đóng góp không nhỏ của Xuân Sang.
Hơn 40 năm kể từ khi những nhát cuốc đầu tiên vỡ đất khai hoang, Xuân Sang hôm nay đã trở thành một điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới, là thôn được lựa chọn để xây dựng thôn kiểu mẫu. Xuân Sang đang từng ngày khoác cho mình một diện mạo mới, sạch đẹp, ấm no hơn. Tạm chia tay những nụ cười sảng khoái, những cái bắt tay mạnh mẽ, chai sạn của những người dân ở mảnh đất ven dòng sông mẹ, tôi rời Xuân Sang khi mặt trời còn đang đứng bóng, nhìn lại phía sau bên những ngôi nhà xây khang trang vẫn ẩn hiện dáng hình những người lao động chăm chỉ cần mẫn xếp từng tấm ván bóc ra phơi trong một ngày đầy nắng.