Lựa đúng con
Thực hiện Nghị quyết 22 của tỉnh ủy Lào Cai, từ năm 2015, huyện Si Ma Cai đã triển khai đề án phát triển chăn nuôi đại gia súc để đưa vào thực hiện thí điểm tại 2 xã là Sín Chéng và Bản Mế, với 477 con trâu và 55 con bò, tổng trị giá hơn 15 tỷ đồng.
Si Ma Cai tập trung phát triển đại gai súc nâng cao thu nhập cho người dân
Xã Bản Mế đến nay vẫn là xã được coi là thành công nhất trong việc đưa Nghị quyết 22 vào cuộc sống của người dân, góp phần đẩy nhanh tốc độ về đích NTM của xã năm từ năm 2018. Năm 2015, 93 hộ dân trong xã tham gia thực hiện dự án ngân hàng bò với 191 con bò sinh sản. Hiện, số bò này đã phát triển thêm được 106 con.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Bản Mế - Hảng Seo Chang, tính ra hiệu quả chăn nuôi đại gia súc cao gấp nhiều lần trồng ngô, lúa, thu nhập ổn định ít phụ thuộc thời tiết, nhờ vậy công tác xóa nghèo ở Bản Mế được triển khai nhanh và bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo theo kết quả nghèo đa chiều mới năm 2016 là 57,9% đến năm 2018 còn 11,7% giảm 46,2%, còn dưới 9,7% năm 2019. Thu nhập của người dân năm 2015 là 15,6 triệu đồng/người /năm còn ở mức thấp đến năm 2018 thu nhập bình quân trên đầu người đạt 30,15trđ/người/năm, năm 2019 thu nhập bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng/người/năm.
Song song với việc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc, người dân Bản Mế chú ý ưu tiên xử lý vấn đề môi trường nông thôn - hệ lụy của việc phát triển chăn nuôi. Số hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường 481/501 hộ đạt 96%. Kể từ khi triển khai nghị quyết cho đến nay, nhân dân xã Bản Mế đã làm được 297 hố ủ phân, 281 chuồng nuôi nhốt gia súc, trồng mới được trên 98 ha cỏ VA06. Đây là việc tưởng như khá dễ dàng bởi đều là những việc vốn quen với người nông dân, nhưng để làm thay đổi cách nghĩ, cách làm đã có từ bao đời nay, như thói quen thả rông gia súc, không cần làm chuồng trại kiên cố, không có thói quen dự trữ thức ăn trong mùa đông thực sự không phải là chuyện có thể giải quyết một sớm một chiều.
Sau bài học thành công của Bản Mế, các xã còn lại của huyện vùng cao Si Ma Cai tập trung khai thác lợi thế đất đai, đồng cỏ và kinh nghiệm bản địa để phát triển chăn nuôi đại gia súc. Tính đến nay, huyện Si Ma Cai đã hỗ trợ 2.321 con bò và trâu sinh sản cho 1.136 hộ nghèo và cận nghèo, tổng đàn trâu, bò tăng, tăng trưởng bình quân qua các năm đạt từ 17,5% - 18%. Ước tính đến hết năm 2020, tổng đàn trâu đạt 15.800 con, đàn bò đạt 6.800 con, tạo nguồn thu khoảng gần 500 tỷ đồng cho khu vực nông thôn.
Chọn đúng cây.
Đối với các xã nằm ở độ cao từ 1.200 - 1.600 m so với mực nước biển, có khí hậu mát lạnh, độ ẩm khá cao, huyện Si Ma Cai quy hoạch, vận động và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trồng cây ăn quả ôn đới, như: lê xanh, mận hậu, mận tím Tả Van.
Mô hình cây ăn quả ôn đới hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân
Xã Lùng Thẩn được coi là “vựa cây ăn quả ôn đới” của “huyện đá” Si Ma Cai, với 248 ha cây mận và lê xanh, cho sản lượng khoảng 160 tấn/năm. Điều rất hay ở Si Ma Cai là quy hoạch vùng trồng cây ăn quả rõ nét, theo phương châm liên kết các xã liền kề thành vùng tập trung để giảm suất đầu tư giao thông và thuận tiện áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong tưới nước, bón phân và phòng ngừa sâu bệnh hại. Nhờ vậy, Si Ma Cai đã xây dựng được vùng cây ăn quả ôn đới tập trung, rộng hàng trăm héc-ta. Cách làm hay nữa là chính quyền huyện, xã thực hiện hỗ trợ người dân chuyển đổi trồng cây ăn quả theo phương thức “hỗ trợ sau đầu tư”, tức là người dân tự lựa chọn đất của mình, mua giống theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, chăm sóc cây từ 2 - 3 năm, bảo đảm diện tích và số cây trồng sinh trưởng tốt, lúc đó cán bộ chuyên môn của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chính quyền xã mới nghiệm thu và giải ngân thanh toán tiền hỗ trợ theo đề án. Nhờ cách làm này, tỷ lệ cây sống cao và diện tích đông đặc thực chất, tránh sai mục đích, lãng phí và thất thoát nguồn hỗ trợ của Nhà nước cho người dân.
Đến nay, huyện Si Ma Cai đã trồng được gần 800 ha cây ôn đới, trong đó cây mận 363,3ha, lê tai nung 354,5 ha, Cây sơn tra 31,4ha, Cây đào pháp 6 ha. Năm 2019, diện tích mận và lê đã cho thu hoạch là 130 ha, năng suất đạt 402 tấn, thu về cho nông dân gần 40 tỷ đồng, góp phần tích cực xóa nghèo hiệu quả ở địa phương. Diện tích cây lê, mận cho thu hoạch ước năm 2020 là 165 ha, tổng sản lượng ước đạt 569 tấn.
Do “lựa đúng con, chọn đúng cây” cùng với quyết tâm, đồng lòng từ lãnh đạo các cấp đến người dân; thực hiện các giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp thực tế cho nên đã tạo động lực mới trong phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững ở nông thôn của huyện với tỷ lệ đạt hơn 11%/năm. Hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao núi đá, biên giới nay đã thoát nghèo, đang vươn lên làm giàu tại chỗ.