“Khó khăn” là cụm từ đầu tiên lãnh đạo xã chia sẻ với chúng tôi về công tác xây dựng nông thôn mới ở xã vùng cao Tả Thàng. Ông Nông Văn Cương, Phó Chủ tịch xã Tả Thàng cho biết: Quá trình xây dựng nông thôn mới ở Tả Thàng gặp nhiều khó khăn do xã nằm cách xa trung tâm huyện 38km, dân cư sinh sống rải rác, đường giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt là tuyến tỉnh lộ 154 từ xã đến trung tâm huyện đã xuống cấp trầm trọng. Đặc biết, xã có xuất phát điểm thấp, trình độ dân trí hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo cao, địa hình chủ yếu là đồi núi cao, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, phương thức sản xuất lạc hậu, thiếu sự liên kết trong sản xuất…nên thiếu nguồn lực để đầu tư xây dựng nông thôn mới.
Trường Mần non Tả Thàng khó khăn trong mở rộng diện tích, thiếu phòng học để xây dựng đạt chuẩn
Hiện xã Tả Thàng mới đạt 10/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó chủ yếu là các tiêu chí có sự đầu tư của Nhà nước như: Tiêu chí giao thông, quy hoạch, thủy lợi, điện, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, giáo dục và đào tạo, quốc phòng an ninh…Các tiêu chí còn lại như cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư, y tế, văn hóa, thu nhập…là những tiêu chí mới đạt mức thấp, khó khăn trong công tác thực hiện. Đặc biệt, tiêu chí trường học, hộ nghèo, môi trường và an toàn thực phẩm là 3 tiêu chí được đánh giá là khó thực hiện nhất đối với xã Tả Thàng hiện nay.
Đối với tiêu chí trường học, do Tả Thàng là địa phương vùng cao nên việc bố chí mặt bằng để xây dựng các trường học trên địa bàn hết sức khó khăn. Cả 3 trường cấp THCS, TH và Mầm non ở Tả Thàng đều chưa đạt chuẩn bởi thiếu diện tích. “Dự kiến, tới đây chỉ có Trường PTDT Bán trú THCS xã Tả Thàng đủ điều kiện đạt chuẩn mức độ I, Trường Mầm non xã Tả Thàng thiếu diện tích xây dựng trầm trọng” – ông Cương cho biết.
Trường Mầm non Tả Thàng hiện có 274 học sinh, học tại 7 điểm trường tại các thôn, riêng điểm trường chính hiện có 61 học sinh, chia làm 3 lớp ghép. Mặc dù có 3 lớp nhưng điểm trường chính chỉ có 2 phòng học chính, còn 1 phòng công vụ giáo viên được tận dụng để làm lớp nhà trẻ. Cô giáo Vương Thị Về, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Tả Thàng cho biết: “Nhà trường được xây dựng trên khuôn viên 1.400m2, nên rất cần được mở rộng diện tích. Theo khảo sát, nhà trường cần diện tích khoảng 3.000m2 thêm để xây dựng phòng học, phòng bộ môn và sân chơi cho trẻ. Ngoài ra, năm học tới (2020 – 2021), điểm trường chính còn phải đón 29 học sinh từ điểm trường thôn Sì Khà Lá về học do 2 thôn sáp nhập. Khó khăn nhất là trường trước đây được xây dựng trên đồi cao, việc xây kè hoặc mở rộng diện tích đều rất khó khăn.
Do phong tục, tập quán và nhận thức hạn chế, việc thực hiện tiêu chí môi trường ở Tả Thàng gặp nhiều khó khăn
Tiêu chí môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được đánh giá rất khó thực hiện bởi xã Tả Thàng có trên 99% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Do địa hình dốc, tập quán dựng nhà san sát, không thiết kế mương nước thải và thói quen làm chuồng trại chăn nuôi sát với nhà ở nên hầu hết các thôn ở Tả Thàng đều không chú trọng thực hiện tiêu chí môi trường. Ngoài ra, thói quen thả rông gia súc, không có bể thu gom phân gia súc cũng khiến môi trường ở Tả Thàng ô nhiễm. Không chỉ vậy, việc xây dựng nghĩa trang tập trung cũng gặp nhiều khó khăn bởi phong tục chôn người chết dựa theo phong thủy, thế đấy và điều kiện của từng gia đình.
Tả Thàng hiện là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện (44,36%, năm 2019). Hiện thu nhập bình quân người dân xã Tả Thàng năm 2019 mới đạt hơn 13,1 triệu đồng/năm. “Tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập bình quân thấp cũng khiến việc huy động xã hội hóa trong xây dựng nông thôn mới ở Tả Thàng kém hiệu quả, chủ yếu người dân tham gia đóng gió ngày công và hiến đất làm các công trình nông thôn mới.” – Phó Chủ tịch UBND xã Tả Thàng cho biết thêm.
Mặc dù khó khăn, nhưng những năm qua, chính quyền và Nhân dân xã Tả Thàng vẫn nỗ lực, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là tham gia đóng ngày công, hiến đất và đóng góp tiền xây dựng các công trình nông thôn mới. Trong 5 năm qua (2015 – 2019), Nhân dân xã Tả Thàng đã hiến trên 20.000m2 đất, tham gia trên 2.500 ngày công và đóng góp trên 1 tỷ đồng tiền mặt để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn. Trung bình mỗi năm, xã hoàn thành 1 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Ông Nông Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND xã khẳng định: Xây dựng nông thôn mới vẫn là mục tiêu hàng đầu của chính quyền, Nhân dân xã trong giai đoạn tới. Chúng tôi vẫn phấn đấu về đích nông thôn mới sớm nhất có thể. Để Tả Thàng sớm về đích nông thôn mới, chúng tôi mong muốn các cấp, ngành, doanh nghiệp quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, đồng thời triển khai các mô hình, dự án phát triển kinh tế để người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Từ đó tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới.