Khảo sát khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Tả Phìn Sa Pa
Những năm qua, HĐND tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, cụ thể như: Nghị quyết số 85/2016/NQ-HĐND ngày 15/12/2016 ban hành Quy định về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2017-2020; Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND ngày 21/6/2018 về sửa đối, bổ sung một số điều của Quy định về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2017-2020 ban hành kèm theo Nghị quyết số 85/2016/NQ-HĐND ngày 15/12/2016; Nghị quyết số 70/2016/NQ-HĐND ngày 18/7/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai về hỗ trợ lãi suất tiền vay ngân hàng cho các dự án đầu tư phát triến sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp đối với các huyện nghèo và các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016 – 2020... Để tập trung chỉ đạo, tại kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa XV, ngày 12/12/2018, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 12/2018/NQ - HĐND ngày 12/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh (sau đây gọi là nghị quyết số 12) quy định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai trên cơ sở sửa đổi bổ sung, thay thế các nghị quyết đã ban hành về phát triển nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn tỉnh...
Từ đầu năm 2019 đến 6 tháng đầu năm2020, qua giám sát của Ban Kinh tế ngân sách và Ban Dân tộc HĐND tỉnh thì có 8/14 chính sách đã và đang được thực hiện. 6 chính sách thực hiện một phần hoặc chưa thực hiện được. Các chính sách đã và đang thực hiện hỗ trợ như: Sản phẩm OCOP đạt chứng nhận cấp tỉnh; hỗ trợ phát triên hợp tác xã nông nghiệp; hỗ trợ vùng chè nguyên liệu chất lượng cao; hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp chất lượng cao; hỗ trợ phòng chống dịch; hỗ trợ phát triển sản xuất nuôi cá lồng trên sông, hồ chứa; Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; đang thực hiện dự án hỗ trợ giống vật nuôi (toàn tỉnh đang có 05 cơ sở, doanh nghiệp, HTX đề xuất xin chủ trương lập dự án nuôi trâu Bảo Yên và bò vàng vùng cao sinh sản; 01 cơ sở xin chủ trương lập dự án nuôi lợn nái lai, ngoại sinh sản để được tiếp cận chính sách trong năm 2020. Chưa thực hiện giải ngân hỗ trợ). Nhìn chung, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 12/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đã có những điểm mới phù hợp với tình hình phát triển, đó là chuyển đổi từ việc hỗ trợ trực tiếp, dàn trải sang hỗ trợ theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, tập trung quy mô lớn. Chính sách tập trung hỗ trợ lãi suất vốn vay, hỗ trợ sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGap. Chuyển dần từ hình thức hỗ trợ đầu vào sản xuất sang hỗ trợ sau đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; liên kết phát triển sản xuất gắn với bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng ổn định. Đến nay, cơ bản hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo ra nhiều sản phẩm được thị trường đánh giá cao như: Vùng rau an toàn, rau trái vụ tại Sa Pa, Bắc Hà; vùng chè tại Mường Khương, Bảo Thắng, Bảo Yên; vùng dược liệu tại Sa Pa, Bắc Hà... góp phần gia tăng giá trị sản phẩm trên 1 đơn vị ha canh tác, dự kiến hết năm 2020 đạt trên 80 triệu đồng; tổng sản lượng lương thực ước đạt trên 340.000 tấn, bằng 100% MTĐA, đảm bảo an ninh lương thực, ổn định cuộc sống cho nhân dân các dân tộc vùng cao và công tác xóa đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn. Hơn 1 năm qua, tỉnh đã có 51 Sản phẩm OCOP đạt chứng nhận cấp tỉnh được hỗ trợ kinh phí với tổng kinh phí hỗ trợ giai đoạn 2019 - 2020 là 960 triệu đồng (Nguồn NSĐP); Năm 2019 đã 480 triệu đồng; Ước thực hiện năm 2020 là 480 triệu đồng...
Khảo sát chính sách hỗ trợ chăn nuôi tại doanh nghiệp Anh Nguyên, Bắc Hà
Tuy nhiên bên cạnh đó cũng còn một số chính sách chưa thực hiện được hiệu quả bởi những lý do khác nhau như: Công tác tổ chức triển khai thực hiện tại một số địa phương chưa thật sự nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền. Việc triển khai chính sách ở một số nơi còn có sự lúng túng nhất định do việc nắm bắt các nội dung, điều kiện hỗ trợ của chính sách chưa sâu; công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách còn nhiều hạn chế; Nhận thức của một bộ phận người dân, đặc biệt là vùng cao còn hạn chế, chưa tổ chức sản xuất quy mô lớn nên khó khăn khi tiếp cận chính sách, đặc biệt là chính sách ứng dụng công nghệ cao; Do nguồn lực, khả năng cân đối của ngân sách tỉnh còn gặp nhiều khó khăn nên chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp còn hạn chế...
Để các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp đi vào cuộc sống tạo ra đòn bẩy mạnh mẽ tích cực cho sự phát triển vùng nông thôn của tỉnh, cần phải có sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Bên cạnh đó cần có sự đồng bộ các giải pháp thực hiện, trong đó cần chú trọng các giải pháp về quy hoạch vùng nông, lâm, ngư nghiệp, giải pháp về nguồn lực (chủ yếu là nguồn vốn) và giải pháp về đất đai
để tạo thành lực đẩy cho nông nghiệp tỉnh Lào Cai phát triển.