Nàn Sín là một xã vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh, cả xã có trên 80% đồng bào Mông sinh sống. Xã có 4 thôn: Nàn Sín, Giàng Chá Chải, Phìn Chư và Phìn Chư 3. Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) đã như một làn gió lành thổi đến làm diện mạo nông thôn thay đổi căn bản. Ngay từ những ngày đầu xây dựng NTM, xã Nàn Sín đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng NTM của xã và các ban chỉ đạo từng công việc, phân công việc cụ thể cho từng thành viên... Đến nay, việc xây dựng NTM đã trở thành nếp. Người dân đã thay đổi lớn về mặt nhận thức, mặc dù cón nhiều khó khăn, nhưng đời sống người dân đã thay đổi căn bản. Đến UBND xã Nàn Sín, tôi ngỡ ngàng trước sự quy hoạch gọn gàng, khá ngăn nắp.
Đón tôi là nữ Chủ tịch UBND xã Bùi Thị Chung. Gặp lại cô gái này, tôi thấy khá thú vị. Chả là mấy năm trước đi cùng đoàn cán bộ dự án 600 tri thức trẻ tăng cường về làm phó chủ tịch UBND các xã khó khăn, tôi gặp cô gái Bùi Thị Chung, lúc ấy tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã Bản Mế. Ở người cán bộ trẻ này một nghị lực, quyết tâm rất lớn, đặc biệt là có tư duy khá mới mẻ, lúc ấy chưa có chủ trương sản phẩm OCOP, nhưng cô đã chọn gạo dẻo Bản Mế là sản phẩm mũi nhọn và kết quả sau dăm năm, gạo dẻo Bản Mế nổi tiếng khắp vùng,...
Hỏi về xây dựng Nông thôn mới và giảm nghèo bền vững tại Nàn Sín, Chung nói: “Công tác chỉ đạo vẫn như vậy thôi, vẫn Ban chỉ đạo NTM xã, nhưng phương pháp làm thay đổi chú ạ. Không tràn lan nữa, mà làm bước nào chắc bước ấy. Nhân dân giờ cũng hiểu, nên thuận lợi, nhưng cái khó là Nàn Xín là xã nghèo. Cái quyết định vẫn ở cán bộ thôi”. Trong xây dựng NTM, người cán bộ xã luôn đi đầu. Với Chung và các cán bộ nơi đây, NTM là không đói nghèo. Cái suy nghĩ giản dị ấy như mệnh lệnh hành động thôi thúc mỗi cán bộ nơi đây. Các hộ nghèo được xã giao cho các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy xã và cán bộ công chức xã phụ trách giúp đỡ. Chung nói: “Quan điểm là cho cái cần câu chứ không cho con cá chú ạ. Người dân Nàn Sín ngày càng tự lực vươn lên trong xây dựng NTM và giảm ngèo bền vững, tư tưởng ỉ lại trông chờ vào chính quyền, vào sự hỗ trợ cho không đang mất dần”.
Việc đẩy mạnh trồng các loại cây ăn quả ôn đới cùng với tăng vụ tăng sản lượng cây lương thực được xã chú trọng. Diện tích cây mận Tả van, lê Tai nung, Quýt ngọt... đang lớn dần, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân nơi đây. Nhìn những người cán bộ trẻ mơi đây đang quyết tâm xây dựng một Nàn Sín khác xưa mà tôi không khỏi cảm phục. Sùng Seo Hòa - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã tâm sự với tôi về một Nàn Sín tương lai với tham vọng là vùng rau trái vụ lớn của huyện và sẽ cố gắng đưa rau trái vụ của Nàn Sin cùng những trái cây ăn quả ôn đới vào siêu thị để tạo đầu ra ổn định và tăng giả trị sản xuất nông nghiệp cho bà con. Giọng anh bỗng chùng xuống: “Hiện tại thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã năm 2020 mới đạt 25,22 triệu/người/năm. Xã còn khó khăn lắm anh ạ. Tuy nhiên, được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền xã cùng với các chính sách hỗ trợ của nhà nước như Nghị quyết 22, các chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi…, các chính sách đã đến với người dân ở các thôn bản, từ đó đã góp phần thay đổi cuộc sống nhân dân, tăng thu nhập cho nhân dân nhằm xóa đói giảm nghèo bền vững”. Năm 2019 số hộ nghèo trên địa bàn xã có 134 hộ, đến năm 2020 đã giảm 30 hộ còn 104 hộ chiếm tỷ lệ 21,7%.
Để xóa nghèo, phải có cách làm mới tư duy mới, Chung nói với tôi: “Cháu sẽ cho phát triển đàn ngựa bạch, và cố gắng đưa hạt lạc đỏ bản địa là sản phẩm OCOP chú ạ”. Cô gái này thông minh thật, lạc đỏ Si Ma Cai khá nổi tiếng bở hạt nhỏ, thơm, bùi, giòn, có sức sống mãnh liệt, hơn hết đó là năng suất cao, ngon. Nếu được thế thì Nàn Sín sẽ có một sản phẩn nổi tiếng và sẽ góp phần xóa nghèo vướn lên làm giàu bền vững. Tuy nhiên Chung lại bảo: “Nếu chỉ phát triển kinh tế thì người dân vẫn là nghèo đấy chú ạ. Chúng cháu quan niệm là phát triển kinh tế phải đi đôi với đời sống văn hóa của người dân được nâng lên, như người đi hai chân mới hoàn thiện. Nên các thiết chế văn hóa như khu liên hợp thể thao văn hóa xã, nhà văn hóa thôn bản, sân vận động đã và đang được xây dựng và đưa vào sử dụng nâng cao đời sốngvăn hóa của nhân dân Nàn Sín”. Cô chủ tịch xã này khiến cho tôi đi hết ngạc nhiên này đên ngạc nhiên khác.
Năm 2020, xã đã ưu tiên dành nhiều nguồn lực cho xây dựng hạ tầng. Phong trào làm đường giao thông nông thôn phát triển rất cao, năm 2020 xã đã mở mới và rải cấp phối 2km, đổ bê tông 6.59km đường liên thôn. Xã đạt tỷ lệ 100% đường nhựa từ trung tâm xã đến huyện và đạt tỷ lệ 43% trục đường liên thôn. Nhân dân trên địa bàn xã đều được sử dụng điện đảm bảo an toàn, hiệu quả (4/4 thôn bản đều có điện), các hệ thống điện tiếp tục được nâng cấp và đảm bảo chất lượng. Xã đạt tiêu chí về điện. Xã ráo riết chỉ đạo thực hiện duy tu bổ sửa chữa, nạo vét 12 công trình thủy lợi (Kênh mương kiên cố hóa) với tổng chiều dài 22,14 km. Vệ sinh môi trường luôn được chú trọng, các hộ gia đình luôn vệ sinh và xử lý rác thải tại nhà, các đơn vị nhà trường học, Trạm y tế xã, Trụ sở UBND xã đều có hố rác, thùng rác để xử lý rác thải. Tỷ lệ hộ có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường 181/437 hộ, đạt tỷ lệ 41,4%. Xã chưa đạt tiêu chí về vệ sinh môi trường.
Trước khi chia tay chủ tịch Bùi Thị Chung và các cán bộ xã Nàn Sín, tôi ghé thăm Sùng Seo Lử. Giờ anh đã được công nhận là nghệ nhân dân gian. Tiếng khèn của anh vẫn da diết như thế, nhưng không còn nỗi buồn mênh mang như trước mà là tiếng lòng nao nức trước những đổi thay của quê hương:
Lời hát biết hát không biết kết thúc
Như khóm ngải tàn khóm ngải lại xanh
Bài hát biết nói, không biết kết thúc
Kết thúc như hoa đào nở trên núi cao
Tiếng khèn cứ mênh mông diệu vợi trên đỉnh dốc
Phìn Chư. Chắc chắn là Nàn Sín sẽ nhanh chóng thoát nghèo bền vững. Tôi tin như thế, bởi họ có những con người như thế.