Là địa phương có nhiều thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, huyện Bảo Thắng xác định Chương trình OCOP đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện đời sống của nông dân, từng bước tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Chính vì vậy, ngay từ năm 2018, huyện đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình OCOP, tổ chức tập huấn về phương thức quản lý, kinh doanh, chiến lược phát triển sản phẩm cho các hợp tác xã, chủ hộ sản xuất. Ngoài ra, huyện cũng tập trung hỗ trợ các chủ thể thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ kiểu dáng, nhãn hiệu và đẩy mạnh việc vận động người dân triển khai nhiều mô hình sản xuất các sản phẩm theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP, hữu cơ...
Sau hơn 2 năm triển khai, huyện Bảo Thắng hiện có 21 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh. Nhiều sản phẩm truyền thống, đặc trưng của huyện Bảo Thắng đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường và hiện được tiêu thụ rộng rãi trên cả nước và phục vụ cho thị trường xuất khẩu. Chương trình cũng đã “thổi một luồng gió mới” trong tư duy kinh tế nông nghiệp. Nếu như trước đây, người dân vẫn giữ cách thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, ít quan tâm đến xây dựng thương hiệu, thì khi tham gia chương trình OCOP, người dân đã làm quen với sản xuất tập trung, quy mô lớn và chú trọng các khâu chế biến cũng như xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa.
Cơ sở sản xuất Quế ống sáo Tâm Hợi, thôn làng Chưng, xã Sơn Hà bắt đầu tham gia vào “sân chơi” ngành hàng quế từ năm 2018 với mặt hàng chủ lực là sản phẩm quế ống sáo phục vụ xuất khẩu. Ngay từ đầu, cơ sở sản xuất Quế ống sáo Tâm Hợi đã xác định, sản phẩm làm ra phải đảm bảo các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ chữ tín với bạn hàng để kinh doanh lâu dài. Cơ sở đã chủ động xây dựng vùng nguyên liệu quế tại Sơn Hà, đồng thời vận động các hộ dân trong vùng nguyên liệu ở Bảo Thắng nâng cao chất lượng các đồi quế.
Bà Tạ Thị Hợi, chủ cơ sở sản xuất Quế ống sáo Tâm Hợi cho biết: Để đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất khẩu thì vùng nguyên liệu phải không được phun hóa chất. Quế tươi sau khi khai thác phải được sơ chế ngay, các thao tác bào, bóc vỏ phải đẹp. Quế phải được phơi hoặc sấy khô để không bị mốc. Để làm được điều đó thì cơ sở phải hướng dẫn người dân trong vùng nguyên liệu để sản phẩm có mẫu mã đẹp, đồng đều, chất lượng tốt.
Chế biến quế ống sáo tại cơ sở sản xuất Quế ống sáo Tâm Hợi.
Sản xuất, chế biến bài bản, tuân thủ quy trình kỹ thuật đã giúp cơ sở sản xuất Quế ống sáo Tâm Hợi tiếp cận được những thị trường nước ngoài khó tính như: Singapore, Malaysia, Ấn Độ. Sản phẩm Quế ống sáo của Tâm Hợi cũng đã được cấp chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Bình quân mỗi ngày, cơ sở chế biến quế ống sáo Tâm Hợi thu mua từ 5 – 7 tấn vỏ quế tươi và mỗi tháng xuất khẩu khoảng 60 tấn quế khô các loại, trong đó quế ống sáo chiếm trên 50%.
Theo ông Đỗ Hồng Quân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, hiện Bảo Thắng còn 30 sản phẩm, vật phẩm tiềm năng có thể phát triển, tham gia OCOP từ nay đến năm 2025. Tiếp tục thực hiện chương trình này, thời gian tới, huyện Bảo Thắng tập trung nâng cấp, hoàn thiện đối với sản phẩm đã có, hoàn thiện phương án kinh doanh đối với sản phẩm ý tưởng mới. Xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến và quản lý chất lượng theo chương trình OCOP và hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã, doanh nghiệp tiêu thụ… để các sản phẩm OCOP của địa phương đảm bảo sức cạnh tranh, vươn ra các địa phương trong nước và từng bước hướng tới xuất khẩu, giúp người dân trên địa bàn toàn huyện ngày càng nâng cao thu nhập để giảm nghèo bền vững và tiến tới làm giàu.