Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025, có 01 huyện nông thôn mới nâng cao (huyện Bảo Thắng); 04 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, bao gồm: 03 huyện (Bảo Thắng, Văn Bàn, Bảo Yên) và thành phố Lào Cai. Phấn đấu 94/127 xã duy trì và đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 74% tổng số xã trên địa bàn tỉnh (tăng 37 xã so với giai đoạn 2016 - 2020). Trong đó: phấn đấu toàn tỉnh có 20 xã đạt chuẩn “Xã nông thôn mới nâng cao” và 09 xã đạt chuẩn “Xã nông thôn mới kiểu mẫu”. Phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025, UBND các huyện, thị xã, thành phố công nhận 90 Thôn Kiểu mẫu và 110 Thôn nông thôn mới. Bình quân tiêu chí đạt 17,3 tiêu chí/xã. Không còn xã dưới 10 tiêu chí.
6 nội dung trọng tâm của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Một là, tập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại kinh tế nông lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch nông thôn mới; xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và sắp xếp dân cư; tăng cường công tác quản lý quy hoạch, chỉ đạo các địa phương ban hành quy chế quản lý quy hoạch và thực hiện công bố, công khai và cắm mốc chỉ giới quy hoạch theo quy định.
Hai là, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu nông thôn làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. Tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu nhằm từng bước hoàn thiện các tiêu chí giao thông, thủy lợi, điện nông thôn, nước sạch, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, khu thể thao… nhằm tạo sự đột phá diện mạo nông thôn, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho cư dân nông thôn.
Ba là, thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân: Phấn đấu đến năm 2025 có 96 xã đạt tiêu chí thu nhập; 96 xã đạt tiêu chí hộ nghèo; duy trì 100% các xã đạt tiêu chí lao động có việc làm; 115 xã đạt tiêu chí tổ chức sản xuất.
Bốn là, tiếp tục nâng cao chất lượng các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường.
Năm là, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật. Tạo sự chuyển biến toàn diện, sâu sắc về nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng ở nông thôn, bảo đảm vai trò nền tảng, hạt nhân chính trị ở cơ sở, lãnh đạo toàn diện kinh tế - xã hội, chính trị, an ninh quốc phòng. Xây dựng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể vững mạnh, hoạt động có hiệu lực và hiệu quả. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.
Sáu là, Giữ vững quốc phòng và an ninh, trật tự xã hội nông thôn. Xây dựng lực lượng dân quân “vững mạnh rộng khắp” và hoàn thành các chỉ tiêu quốc phòng hàng năm. Chủ động nắm bắt và dự báo tình hình an ninh trật tự, làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm; giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo, tranh chấp, mâu thuẫn nội bộ ngay tại cơ sở, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ, điểm nóng. Tăng cường chỉ đạo công tác đảm bảo an ninh nông thôn, đấu tranh phòng chống tội phạm, quản lý hành chính về trật tự xã hội, an toàn giao thông, trật tự cộng đồng.
Các nhóm giảm pháp thực hiện Chương trình
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, kiên trì mục tiêu. Có hình thức tổng kết, biểu dương; đồng thời xây dựng lộ trình và giải pháp để tiếp tục thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới phát triển rộng khắp, đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực hơn.
Triển khai hiệu quả các nội dung trọng tâm của Chương trình: Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững, chú trọng khai thác được lợi thế của mỗi địa phương; Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn cơ bản đồng bộ, đảm bảo kết nối nông thôn – thành thị được thuận lợi; Bảo vệ môi trường và cải tạo cảnh quan nông thôn; Phát triển giáo dục, y tế, văn hóa cơ sở và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn; Giữ gìn an ninh và trật tự xã hội nông thôn.
Tập trung huy động các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng - xã hội vùng nông thôn, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn; phát triển mạng lưới trường học, trạm y tế, hạ tầng thông tin truyền thông ... Ưu tiên đầu tư xây dựng các hạng mục, tiêu chí gần đạt được tiêu chí quốc gia về nông thôn mới và các xã có khả năng sớm đạt xã nông thôn mới. Thực hiện công khai cơ cấu các nguồn kinh phí đầu tư đối với các công trình xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn để người dân được thảo luận và tự nguyện tham gia hiến đất, đóng góp công sức, tiền của.
Quan tâm đào tạo tăng cường bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp, nhất là ở cấp xã, thôn để nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách, cách làm sáng tạo, đột phá phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương, thực hiện công tác cán bộ cơ sở, tăng cường điều động luân chuyển cán bộ có năng lực giữ vị trí then chốt ở các địa phương khó khăn, tiến độ triển khai còn chậm để tạo sự chuyển biến trong triển khai chương trình.
Tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, tạo chuyển biến rõ nét theo từng nhóm xã. Chủ động soát xét, xây dựng khung kế hoạch cụ thể thực hiện, xác định rõ lộ trình và cân đối nguồn lực thực hiện đảm bảo khả thi, chuyển mạnh về chiều sâu, bền vững.
Đẩy mạnh thực hiện xây dựng Thôn nông thôn mới, Thôn kiểu mẫu đi vào chất lượng, chiều sâu, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho Nhân dân. Tiếp tục ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu; quan tâm các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh trật tự an toàn xã hội.
Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện Chương trình gắn với rà soát, nghiên cứu và đề xuất ban hành các cơ chế chính sách phù hợp với tình hình thực tế.