Những năm qua, sự phát triển của chuỗi giá trị ngành hàng quế đã giúp nhiều hộ dân tham gia sản xuất, kinh doanh tại Bảo Thắng có thu nhập cao và ổn định. Vì quế là cây trồng rừng kinh tế lâu năm nên hầu như không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, là điều kiện thuận lợi cho sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Bởi vậy, chất lượng các sản phẩm quế tại Bảo Thắng nói riêng và Lào Cai nói chung luôn được các bạn hàng đánh giá cao.
Anh Triệu Phúc Lý, chủ một cơ sở thu mua, chế biến quế tại xã Phong Niên cho biết: Chúng tôi thu mua, chế biến quế để xuất khẩu sang nước ngoài. Người dân sản xuất quế thường trồng xen cây quế với những cây ngắn ngày như ngô, sắn trong những năm đầu, khi cây quế lớn hơn, tạo tán thì lá rụng xuống, tinh dầu có vị cay nên có rất ít cỏ sống dưới tán quế, không cần sử dụng thuốc diệt cỏ. Quế là cây rừng trồng, cây rất cao nên gần như không thể sử dụng các loại thuốc trừ sâu. Có thể khẳng định quế người dân sản xuất ra là quế sạch, đáp ứng được tiêu chuẩn hữu cơ nên xuất khẩu thuận lợi. Hiện nay cơ sở sản xuất của chúng tôi thậm chí không đủ hàng để xuất bán cho đối tác.
Sơ chế quế phục vụ xuất khẩu tại cơ sở gia đình anh Triệu Phúc Lý, xã Phong Niên.
Tại xã Phong Niên, diện tích đồi, núi thấp, diện tích trồng ngô kém hiệu quả đang dần được thay thế bằng cây quế. Những diện tích rừng kinh tế trồng cây lấy gỗ như keo, mỡ… sau thu hoạch người dân cũng lựa chọn trồng quế để thay thế. Nhờ đó, những năm qua diện tích trồng quế tại Phong Niên liên tục được mở rộng. Đến nay, trên địa bàn xã đã có gần 800 ha quế. Trên địa bàn xã cũng có 2 cơ sở thu mua và chế biến quế, tạo đầu ra thuận lợi cho bà con. Nhiều hộ dân trong xã cũng có thu nhập ổn định từ việc tham gia sản xuất và chế biến quế.
Ông Phạm Viết Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Niên cho biết: Quế được xác định là cây trồng chủ lực của địa phương nên chúng tôi khuyến khích bà con phát triển sản xuất. Trên địa bàn xã hiện có doanh nghiệp chế biến quế đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, đang trong quá trình đầu tư xây dựng. Ngoài ra, cũng có nhiều cơ sở thu mua, chế biến quế hoạt động hiệu quả nên người dân không phải lo ngại vấn đề đầu ra. Để đảm bảo sản xuất quế bền vững, chúng tôi phối hợp với các cơ quan chuyên môn, tuyên truyền, hướng dẫn bà con sản xuất theo hướng hữu cơ để tăng giá trị kinh tế.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng, trên địa bàn huyện hiện có trên 7.000 ha quế, tập trung tại các xã Phú Nhuận, Sơn Hải, Sơn Hà, Phong Hải, Phong Niên… Việc phát triển vùng trồng quế những năm qua đã góp phần tăng giá trị gia tăng của ngành lâm nghiệp, bảo vệ môi trường và nâng tỉ lệ che phủ rừng toàn huyện lên 55,5%. Bảo Thắng cũng là địa phương tập trung nhiều cơ sở chế biến tinh dầu quế (5 cơ sở) và các sản phẩm từ quế phục vụ xuất khẩu. Ngoài ra, huyện Bảo Thắng cũng đã thu hút, tạo điều kiện thuận lợi để 2 doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm từ quế. Các doanh nghiệp không chỉ tiêu thụ sản phẩm quế cho người dân huyện Bảo Thắng mà còn góp phần tiêu thụ phần lớn sản lượng quế trên địa bàn toàn tỉnh.
Ông Bùi Văn Song, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng cho biết: Quế là một trong những ngành hàng chủ lực, thế mạnh của huyện Bảo Thắng. Những năm qua, sản xuất, chế biến, kinh doanh quế phát triển tốt, có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, để nâng cao giá trị và đảm bảo thương hiệu cho sản phẩm quế của Lào Cai trên thị trường quốc tế, chúng tôi hướng tới xu thế sản xuất quế hữu cơ. Với vai trò của ngành chuyên môn, chúng tôi đã phối hợp với các xã, thị trấn, các cơ sở sản xuất, chế biến hướng dẫn bà con tham gia vào các chuỗi giá trị, liên kết sản xuất và chế biến để đảm bảo sản xuất theo tiêu chuẩn của các đối tác. Bên cạnh đó, chúng tôi quan tâm thực hiện công tác tuyên truyền, thay đổi thói quen sản xuất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây quế nói riêng và các cây trồng khác nói chung (tránh phơi nhiễm chéo) để đảm bảo chất lượng sản phẩm, từ đó tăng giá trị kinh tế cho người trồng quế.