Diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay như khoác lên mình tấm áo mới
Những tuyến đường phẳng lỳ, như những dải lụa trắng vắt ngang lưng đồi, lên non cao, tạo sự đột phá mạnh mẽ trong cảnh quan nông thôn xã Điện Quan (Bảo Yên). Hơn thế nữa, tuyến đường rộng mở cũng khiến lòng người rộng mở, vui vẻ hơn. Đơn cử như anh Hoàng Văn Su là hộ nghèo ở Bản 3, dù cuộc sống còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng anh đã tự nguyện hiến hơn 3.600 m
2 đất để mở mới 2 tuyến đường liên thôn. Gia đình anh đã đồng ý san lấp một phần diện tích ao nuôi cá ngay trước nhà. Không những vậy, vụ này gia đình anh còn không nuôi cá, tháo cạn nước để tạo thuận lợi cho việc san, gạt mặt bằng. Anh Su tâm sự: “Ao cá là một trong những nguồn thu quan trọng của gia đình. Nay Bản có việc thì thiết nghĩ bản thân cần hy sinh lợi ích cá nhân vì việc chung”.
Những tuyến đường nông thôn mới giúp người dân đi lại thuận lợi hơn
Ở ngay đầu thôn Bản 5, ai cũng biết gia đình bà Trần Thị Thái có hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhà ở siêu vẹo và cuối năm vừa qua bà mới nhận được hỗ trợ của các mạnh thường quân giúp đỡ xây nhà tình nghĩa. Mặc dù vậy, khi cán bộ thôn đến tuyên truyền chủ trương mở đường thì bà ngay lập tức đồng ý hiến đất để mở đoạn đường dài hơn 0,7 km qua nương sản xuất của gia đình. Tuyến đường giao thông nông thôn qua nhà bà Thái rất quan trọng, sẽ kết nối xã Cốc Lầu (Bắc Hà) với xã Điện Quan và thông tuyến đến Quốc lộ 70, vì vậy, việc hiến đất của bà Thái càng trở lên ý nghĩa khi bà đã giúp đỡ cho rất nhiều hộ dân hai địa phương đi lại, giao thương thuận lợi.
Điều đặc biệt là anh Su hay bà Thái đều là hộ nghèo. Năm vừa qua, toàn xã Điện Quan có 46 hộ nghèo và cận nghèo hiến đất làm đường. Dù còn nghèo nhưng với lòng nhân ái, nghĩa cử cao đẹp, chính họ đang mở ra cơ hội vươn lên và làm giàu cho rất nhiều hộ dân khác trên địa bàn. Đồng chí Nguyễn Văn Mạnh, Bí thư Đảng ủy xã Điện Quan nhấn mạnh: “Khi Nhà nước cần, người dân sẵn sàng hiến cả nghìn mét vuông đất canh tác mà không đòi hỏi được nhận lại gì”. Việc đồng thuận hiến đất của người dân đã góp phần đem lại diện mạo mới cho vùng quê thanh bình. Sự cho đi phần riêng để nhận lại lợi ích chung của người dân sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương trong thời gian tới.
Đến huyện vùng cao Si Ma Cai hôm nay, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay của một vùng đất khó. Những tuyến đường bê tông phong quang, sạch sẽ nối liền từ xã tới các thôn, xóm, hai bên đường rực rỡ băng rôn, khẩu hiệu chào đón sự kiện chính trị quan trọng. Bước vào xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm giao thông nông thôn thấp, chỉ có những tuyến đường cứng hóa đến trung tâm xã mà nay 100% xã đã đạt tiêu chí giao thông với tổng chiều dài hơn 320 km đường được cứng hóa đến tất cả các thôn bản. Không những vậy, huyện phát triển 107 km đường nội đồng vào các khu sản xuất nông - lâm nghiệp. Đồng chí Lý Xuân Thành, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy chia sẻ: “Đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao, cùng với đó là sự đồng lòng, đồng thuận rất cao từ phía người dân. Có thể thấy riêng trong năm 2023, người dân đã hiến 72 héc ta đất, tạo thuận lợi cho hơn 30 công trình giao thông được khởi công và thực hiện theo tiến độ”.
Si Ma Cai tạo những điểm nhấn thu hút khách du lịch
Có thể thấy, thành tựu xây dựng nông thôn mới ở các địa phương thể hiện sự thay đổi tích cực trong nhận thức, sự nỗ lực, sáng tạo của các cấp ủy, chính quyền và sự đồng lòng của người dân trong việc khơi dậy, phát huy nội lực để công cuộc xây dựng nông thôn mới của Lào Cai ngày càng khởi sắc. Đến các xã vùng cao của các huyện Si Ma Cai, Bắc Hà, Mường Khương, Bảo Yên, Văn Bàn, Bát Xát, thị xã Sa Pa và thành phố Lào Cai, đều cảm nhận được nông thôn mới Lào Cai mang trong mình một sức sống mới. Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt; nhiều mô hình sinh kế hiệu quả được nhân rộng giúp người dân đổi mới tư duy phát triển kinh tế, biết phát huy lợi thế địa phương để tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Giờ đây, nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc thù của Lào Cai đã tạo nên thương hiệu đặc biệt về chất lượng trên thị trường trong nước và nước ngoài, như chè hữu cơ Bản Liền, miến đao Bát Xát, gạo Séng cù Mường Khương, bưởi Múc Bảo Thắng, lê Tai nung Si Ma Cai, mận Bắc Hà...
Giai đoạn 2021 - 2024, tỉnh đã huy động tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới là hơn 7,8 nghìn tỷ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp hơn 290 tỷ đồng. Nét nổi bật trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai đó chính là cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân, mang lại diện mạo mới cho nông thôn. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh đã cứng hoá, nâng cấp được hơn 1.911 km đường giao thông nông thôn, trong đó mở mới 378 km và 157 km được người dân tự thực hiện cứng hóa đường ngõ xóm, liên gia. Đến nay, 100% số xã có đường giao thông được rải nhựa hoặc đổ bê tông đến trung tâm xã; 100% các thôn, bản có đường tới trung tâm thôn với khoảng 98% số thôn bản có đường đi lại thuận tiện bốn mùa. Một điều đáng mừng nữa là 100% số xã đạt tiêu chí về thủy lợi, tiêu chí điện; 100% số xã, thôn, xóm có nhà văn hóa và điểm vui chơi, giải trí, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng dân cư nông thôn. Cơ sở vật chất trường học được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, đến năm 2023, toàn tỉnh có 403/600 trường đạt chuẩn quốc gia…
Những năm qua, tỉnh Lào Cai đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân. Trong sản xuất nông nghiệp, toàn tỉnh tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp nhằm gia tăng giá trị canh tác, đồng thời tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất và nhân rộng nhiều mô hình chuyển đổi có hiệu quả, phù hợp với điều kiện từng địa phương. Đặc biệt, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hoá tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tập trung chỉ đạo nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá, nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích thông qua thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất gắn với vùng nguyên liệu, chế biến và thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Từ năm 2021 đến nay, tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 1,06 triệu tấn. Tổng đàn gia súc 2.397 nghìn con và đàn gia cầm 20.035 nghìn con; sản lượng thủy sản ước trên 28.425 tấn. Toàn tỉnh có 296 hợp tác xã, 336 tổ hợp tác nông nghiệp, 146 trang trại và 36 mô hình liên kết với 16 doanh nghiệp tham gia với giá trị liên kết tiêu thụ sản phẩm đạt 1.250 tỷ đồng.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp, phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Nhân dân đã nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong xây dựng nông thôn mới, từ đó, tin tưởng và tích cực chung sức tham gia thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở thôn , bản. Đến nay, toàn tỉnh đã có 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn huyện nông thôn mới; có 62/127 xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 5 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao; có 252 thôn nông thôn mới, 204 thôn kiểu mẫu.
Nông thôn Lào Cai hôm nay khoác lên mình tấm áo mới với những làng quê đáng sống, gam màu xanh của những vùng nông nghiệp hàng hóa bạt ngàn hoa trái, những con đường rộng thênh thang, trải dài tít tắp… Tất cả minh chứng cho sức sống mới, bước chuyển mình đi lên của những vùng quê nơi vùng cao, biên cương đang từng bước đi lên, ngày càng phát triển bền vững. Xác định nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu không có điểm kết thúc, cả hệ thống chính trị vào cuộc, Nhân dân chung sức, đồng lòng, Lào Cai sẽ tiếp tục vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra trong thời gian tới.