Là 1 trong 2 xã được huyện Bảo Yên lựa chọn triển khai xây dựng và đạt các tiêu chí nông thôn mới nâng cao năm 2023, nhưng đến thời điểm này, xã Nghĩa Đô mới đạt 7/19 tiêu chí. 12 tiêu chí chưa đạt gồm: Giao thông; thủy lợi và phòng, chống thiên tai; giáo dục; văn hóa; thông tin và truyền thông; nghèo đa chiều; lao động; tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; y tế; hành chính công; môi trường; chất lượng môi trường sống.
Theo phân tích của ông Đỗ Văn Lưu, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Đô, trong 12 tiêu chí chưa đạt thì có những tiêu chí rất khó, bởi các chỉ tiêu đặt ra rất cao. Đơn cử như tiêu chí số 3 - thủy lợi và phòng, chống thiên tai có chỉ tiêu 3.3 quy định tỷ lệ diện tích cây trồng chủ lực của địa phương được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đạt trên 30%. Cây trồng chủ lực của xã được xác định là cây quế và cây dâu tằm, trong đó diện tích quế rất lớn (hơn 1.000 ha), được trồng trên đồi cao, việc áp dụng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước là không thực hiện được. Diện tích cây dâu tằm trên địa bàn xã hiện nay không còn. Vì vậy không chỉ khó hoàn thành, mà Nghĩa Đô còn đứng trước khả năng không đạt tiêu chí thủy lợi và phòng, chống thiên tai.
Lấy thêm ví dụ về tiêu chí số 18 - chất lượng môi trường sống, ông Đỗ Văn Lưu cho biết: Chỉ tiêu 18.1 quy định tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung đạt trên 35%. Như vậy, xã Nghĩa Đô có 1.182 hộ thì bắt buộc phải có 414 hộ được sử dụng nước sạch thì mới đạt. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn xã có 3 công trình cấp nước sinh hoạt, đều là công trình tự chảy, sử dụng hệ thống lọc thô sơ, chất lượng nước chưa đảm bảo các tiêu chuẩn theo tiêu chuẩn nước sạch của Bộ Y tế. Để đạt chỉ tiêu 18.1, cần đầu tư nâng cấp hoặc xây mới công trình cấp nước. UBND xã đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo, dự kiến được bố trí vốn để triển khai dự án nâng cấp công trình cấp nước sinh hoạt bản Nặm Cằm - Nà Đình, quy mô cấp cho 175 hộ, cùng trường học, trạm y tế, Phòng khám Đa khoa khu vực Nghĩa Đô. Nếu được đầu tư nâng cấp thì tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch cũng chỉ đạt 14,8%, chưa đạt chỉ tiêu 18.1.
Cũng như xã Nghĩa Đô, xã Khánh Yên Thượng được huyện Văn Bàn lựa chọn triển khai và đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023, nhưng đến nay xã mới đạt 8/19 tiêu chí, còn 11 tiêu chí chưa đạt gồm: Giao thông; giáo dục; văn hóa; thông tin và truyền thông; thu nhập; nghèo đa chiều; lao động; tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; y tế; môi trường; chất lượng môi trường sống.
Phân tích về việc có nhiều tiêu chí chưa đạt, bà Nguyễn Thị Trâm, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Yên Thượng cho rằng, cần có hướng dẫn cụ thể hơn. Đơn cử như tiêu chí số 12 - lao động, trong đó chỉ tiêu 12.2 quy định tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ (áp dụng cho cả nam và nữ) đạt từ 25% trên tổng số lao động qua đào tạo. Hiện trên địa bàn xã, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%, tuy nhiên chủ yếu tập trung vào lao động đi làm ở các công ty. Mặc dù họ được đào tạo nhưng lại không được cấp bằng cấp hoặc chứng chỉ...
Đó chỉ là những dẫn chứng rất cụ thể, thực tế còn nhiều khó khăn mà các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao đang phải đối mặt mà chưa tìm được hướng giải quyết. Ông Đỗ Xuân Thủy, Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh cho biết: Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 gồm 19 tiêu chí, 75 chỉ tiêu, trong đó có 18 chỉ tiêu mới so với Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và 26 chỉ tiêu tăng so với Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn trước. Những chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới nâng cao được bổ sung trong giai đoạn 2021 - 2025 nhằm hướng tới xây dựng nông thôn mới theo “chiều sâu” nên cần có nhiều thời gian và nguồn lực đầu tư. Trong khi đó, nguồn lực triển khai thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao chủ yếu là huy động từ nguồn ngân sách của địa phương, nguồn huy động xã hội hóa trong Nhân dân. Hiện nay, nguồn ngân sách của các xã rất hạn chế, tổ chức sản xuất còn theo quy mô nhỏ lẻ, thiếu liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; việc thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp vào nông nghiệp còn nhiều khó khăn; chuyển đổi số tại một số địa phương đang bắt đầu thực hiện…
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Lào Cai triển khai thực hiện Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao trên địa bàn 94 xã. Đến nay, có 5 xã đạt 19 tiêu chí và đã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; 2 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí; 13 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí; 24 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí; 50 xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Để đẩy mạnh việc triển khai xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, không có cách nào khác, các địa phương, nhất là các xã cần xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần kiên trì, tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện với phương châm “Xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”. Cùng với đó, đổi mới hình thức, đa dạng về nội dung tuyên truyền, vận động trong xây dựng nông thôn mới để người dân nhận thức sâu sắc về vai trò, trách nhiệm của mình, thay đổi tư duy, nhận thức, chủ động, tự giác, tích cực, hăng hái tham gia. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện thực tế. Đẩy mạnh phát triển các hình thức tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương nhằm nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng sống, cải thiện môi trường nông thôn. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, động viên đối với cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc, tạo động lực thúc đẩy thực hiện nông thôn mới nâng cao, phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Nguồn tin: Theo Báo Lào Cai
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn