Ngày cuối năm, dải đất ven sông Hồng thuộc xã Thái Niên bạt ngàn cây trái, rau củ được người dân thu hái trước khi vận chuyển ra bến đò để chuyển đi khắp nơi. Dưới nắng yếu ớt ngày đông, dòng sông “cõng” trên mình những chuyến đò ngang chở người, xe cộ và nông sản từ những ngôi làng ven sông sang thành phố. Cụ Đào Thị Bích, ở thôn Làng Giàng, 86 tuổi mang chiếc ghế tựa ra ngoài hiên ngồi để đón nắng ấm và trầm ngâm kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về những xóm làng ven sông ngày ấy. Vùng đất phía tả ngạn sông Hồng, ngoài tuyến đường sắt ì ạch kéo theo những toa tàu dài thì chỉ có những con đường mòn. Những con đường mòn qua bãi sậy, bãi lau lâu rồi thành đường liên thôn, liên xóm. Con đường ấy mang trên mình những dấu chân, đất được lèn chặt, được làm mịn cũng từ những dấu chân, hiếm lắm mới có những vết bánh xe đạp Thống Nhất, xe Phượng Hoàng, lại càng hiếm bánh xe máy. Cụ Bích nói: “Người con thứ 6 của tôi được bầu làm trưởng thôn. Chẳng nhớ đã bao nhiêu năm rồi, nhưng tôi nhớ rõ nó đã thay đến 4 chiếc xe máy. Vì đường xấu lắm, cứ vài ngày lại phải xuống xã một lần, đi vào từng nhà dân, đi nhiều thì hỏng nhiều xe…”.
“Con đường thế kỷ” mở ra tương lai tươi sáng cho người dân tả ngạn sông Hồng. |
Câu chuyện đang dở dang thì trưởng thôn “đi hỏng 4 chiếc xe” trong sự nghiệp của mình về đến nhà. Ông Mai Xuân Xa đã có 20 năm làm Trưởng thôn Làng Giàng, suốt từ ngày người dân chỉ có cách đợi tàu hỏa để lên thành phố cho đến khi nơi đây có một con đường rải nhựa phẳng phiu nối các xã ven sông với Tỉnh lộ 157 tại xã Vạn Hòa (thành phố Lào Cai). Ông Xa tự hào nói: “Bốn năm trở lại đây, chúng tôi mới thực sự có một con đường để “khai hóa văn minh”, người dân chúng tôi gọi vui là “kỳ tích” ở Thái Niên”.
Năm 2004, xã Thái Niên có dự án mở đường giao thông, nối các thôn Thái Niên - Múc - Làng Giàng - Cầu Xum với Tỉnh hộ 157. Tuy nhiên, dự án làm đường chỉ đủ kinh phí xây dựng công trình chứ không có kinh phí để đền bù giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư. Tại thôn Làng Giàng, tuyến đường ảnh hưởng đến 61 hộ dân (trên 5 ha đất sản xuất, 4 hộ phải di dời nhà ở, di chuyển 8 ngôi mộ). Là cựu chiến binh, ông Xa gọi cuộc vận động người dân tham gia hiến đất làm đường năm ấy là “cuộc chiến”. “Có người còn vác dao đến tận nhà trưởng thôn dọa chém, bởi họ chưa hiểu hết ý nghĩa của việc mở đường, nên không đồng ý, có người thì tìm đến nhà chửi rủa… ấy thế mà cũng xong hết, đường vẫn được làm”, ông Xa cười nói.
Tại thôn Làng Giàng, câu chuyện đáng nhớ nhất có lẽ là do con đường đi qua vườn vải đang lúc rộ hoa của nhà ông Mai Văn Tưởng. Tính ông Tưởng “nóng như lửa”, khi nghe vận động hiến đất làm đường, lại đi qua hàng trăm mét vườn vải mỗi năm cho thu hàng chục triệu đồng, qua 4 sào ruộng, 2 ao cá, nên ông Tưởng nhất quyết không đồng ý. Nhiều lần họp thôn, thấy mọi người xôn xao mãi chuyện hiến đất, ông Tưởng lập tức đứng phắt dậy bỏ về. Thậm chí có lần ông còn cùng con đến tận nhà ông Xa để “nói cho ra nhẽ”. Thấy ông Tưởng không thuận, nhiều người dân trong thôn phải đến nhà vận động, thuyết phục, gia đình ông mới đồng ý cho máy xúc vào vườn để đào đất. Ai cũng mừng. Thế nhưng khi máy vừa vào đến vườn, ông Tưởng lại cho người rào quanh hai đầu khiến chiếc máy bị mắc kẹt. Hiểu tính ông Tưởng, ông Xa chợt nghĩ ra cách là tổ chức họp Chi hội Cựu chiến binh thôn, bởi ông Tưởng từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Khi ngồi họp và nghe các đồng đội đã từng “vào sinh ra tử” thuyết phục, chạm đến niềm kiêu hãnh của “Bộ đội Cụ Hồ, ông Tưởng đã đồng ý hiến đất, cho phép những đồng đội cũ đến nhà tháo rào, chặt những cây vải đang hứa hẹn một mùa bội thu. Nhớ lại chuyện này, ông Tưởng bảo: “Các anh em trong Chi hội Cựu chiến binh nói tôi thấy thuyết phục, các đồng chí ấy cũng là những đồng đội hiểu tính tôi. Họ hàng, các con của tôi khi ấy vẫn chưa đồng ý, nhưng thôi, có con đường thì người dân nơi đây mới mở mang được. Cũng tiếc thật đấy, nhưng đành cứng rắn mà nói với các con rằng: “Chuyện này là ở bố, anh em không có phận sự”. Dù đông con, nhưng tôi cũng không cần tiền đền bù, chỉ cần khi máy xúc làm xong việc, san giúp gia đình mặt bằng để chúng tôi dựng căn nhà mới là tốt rồi”.
Tương tự, tuyến đường đi qua thôn Múc, thôn Thái Niên cũng cắt qua khá nhiều mảnh vườn, đồi cây ăn quả, những đồi quế, đồi chè xanh tốt. Để thuận lợi thi công, có những hộ dân hiến hàng nghìn mét vuông đất, nhiều hộ phải chuyển nhà, di dời mộ phần dù không được đền bù; việc tâm linh khó thực hiện, nhưng người dân xã Thái Niên đã chung sức, đồng lòng để đổi lấy một tuyến đường như mong ước. Anh Phan Văn Tuyến, ở thôn Thái Niên có đồi chè rộng hơn 5.000 m2 nhưng tuyến đường cắt ngang với chiều dài hơn 200 m, song anh vẫn vui vẻ chấp thuận. Anh Tuyến tự hào: “Muốn có đường đi thì phải hy sinh lợi ích, nông dân không có tiền để tự làm đường. Tài sản lớn nhất là đất, nếu hiến đất để có đường thì không chỉ thuận tiện cho mình mà cho cả cộng đồng hưởng lợi, chứ đi đâu mà thiệt”.
Năm 2013, tuyến đường mà người dân xã Thái Niên góp sức đầu tư được rải nhựa, việc đi lại trở nên thuận tiện. Nhờ có con đường, đời sống của người dân ven sông ngày càng đổi thay. Trên tuyến đường đó, ngày ngày có nhiều đoàn xe ô tô tải nối đuôi nhau chở hàng hóa ngược xuôi, mang no ấm về cho miền quê này. Tuyến đường là “huyết mạch” kết nối giao thương, kinh tế - xã hội giữa người dân xã Thái Niên với thành phố Lào Cai. Từ đó, những căn nhà mới khang trang, những ngôi biệt thự cứ đua nhau mọc lên, mang sức sống tươi mới... Và lại thêm một cái tết cổ truyền no ấm trên vùng đất ven sông nhiều hoa thơm, trái ngọt mang tên Thái Niên.
Nguồn tin: Báo Lào Cai
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn