Biến lá đại bi từ cây dại trở thành sản phẩm OCOP 3 sao
Kết hợp tri thức bản địa với kiến thức, khoa học, kỹ thuật hiện đại, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Thế Tuấn (HTX Thế Tuấn) ở xã Chiềng Ken (huyện Văn Bàn) đã “biến” loài cây dại trở thành sản phẩm OCOP.
Anh An Văn Tuấn, Giám đốc HTX Thế Tuấn cho biết: Đại bi hay từ bi xanh, long não hương, đại từ bi… là tên gọi loài cây mọc dại, có ở nhiều vùng đồi núi của huyện Văn Bàn. Theo kinh nghiệm dân gian, người dân địa phương thường dùng lá đại bi làm thuốc chữa cảm sốt, cảm cúm, chữa ho, trừ đờm, đầy bụng, không tiêu, đau bụng, thuốc xông chữa bị cảm… Sau thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, tôi cùng các xã viên đã quyết định phát triển các sản phẩm tinh dầu, trà, cao, nước súc miệng… từ lá đại bi.
Theo anh An Văn Tuấn, trong lá đại bi có tinh dầu nhưng hàm lượng rất thấp, nên việc chiết xuất khó hơn các loại cây khác. Việc thu hoạch và chưng cất tinh dầu thực hiện vào mùa hè và mùa thu sẽ cho hàm lượng tinh dầu cao nhất. Nồi chưng cất cũng được cải tiến phù hợp để thu được nhiều loại sản phẩm khác nhau.
“Để tìm ra công thức chuẩn, thời gian đầu, chúng tôi phải bỏ đi hàng tấn lá đại bi nguyên liệu. Đến nay, HTX Thế Tuấn là một trong rất ít đơn vị trên cả nước chưng cất thành công tinh dầu từ cây đại bi. Năm 2022, sản phẩm tinh dầu đại bi của HTX Thế Tuấn được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao”, anh An Văn Tuấn cho biết.
Từ một loài cây dại, mọc hoang ở vùng rừng núi huyện Văn Bàn, đến nay đã có 2 sản phẩm OCOP và nhiều sản phẩm khác. HTX thu mua lá đại bi giúp người dân có thêm “nghề mới” để nâng cao thu nhập lúc nông nhàn.
Chị Nông Thị Bên, thôn Ken 1, xã Chiềng Ken tâm sự: Những lúc nông nhàn, tôi vào rừng thu hái lá đại bi bán cho HTX Thế Tuấn. Việc thu hoạch đơn giản, cây cao sẽ chặt nhánh tuốt lá, cây thấp thì tuốt lá trực tiếp, giữ lại gốc để lứa sau thu hoạch tiếp. Mỗi kg lá tươi bán 4 nghìn đồng, trung bình mỗi tháng tôi thu 3 - 4 triệu đồng nhờ đi rừng hái lá đại bi bán cho HTX. Tôi cũng khoanh nuôi vài trăm cây tại khu vực rừng sản xuất của gia đình để tiện cho việc thu hái.
Mặc dù đã có sản phẩm và thương hiệu, tuy nhiên đa số nguyên liệu lá đại bi tươi được HTX Thế Tuấn thu mua từ người dân khai thác tự nhiên, dẫn đến nguy cơ thiếu bền vững. “Chúng tôi đã phối hợp với một số hộ khoanh nuôi, bảo vệ cây đại bi, đồng thời thử nghiệm trồng tại một số diện tích để khai thác hiệu quả, bền vững loại cây này”, anh An Văn Tuấn cho biết thêm.
Ngoài chế biến các sản phẩm từ lá đại bi, HTX Thế Tuấn còn nghiên cứu và chiết xuất thành công tinh dầu từ hoa màng tang. Đây cũng là một loại cây dại mọc nhiều ở các vùng rừng núi trên địa bàn huyện Văn Bàn. Sản phẩm tinh dầu hoa màng tang được HTX định hướng xây dựng thành sản phẩm OCOP.
Mường Khương biến tiềm năng thành sản phẩm OCOP
Xác định Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) sẽ tạo “cú huých” cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, huyện Mường Khương rất chú trọng xây dựng thương hiệu các sản phẩm đặc trưng.
Quýt mường Khương được chứng nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Mường Khương có 3 tiểu vùng khí hậu (nhiệt đới, á nhiệt đới và ôn đới), thuận lợi để phát triển nhiều loại sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như gạo Séng cù, quýt, lợn đen, dứa, chè Shan tuyết, tương ớt… Với hướng phát triển bền vững, phần lớn sản phẩm trên đang được xây dựng thương hiệu, gắn vùng nguyên liệu với các cơ sở chế biến.
Tháng 10/2022, Công ty TNHH Một thành viên Mường Hoa (Công ty Mường Hoa), xã Cao Sơn có 2 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt 4 sao OCOP, là trà Việt Ô Long và Việt Hồng trà. Bà Hà Thị Tuyến, Giám đốc công ty cho biết: Năm 2011, công ty liên kết với các hộ nông dân trồng chè chất lượng cao theo hướng hữu cơ. Đến nay, 2 xã Cao Sơn và La Pan Tẩn đã trồng được 250 ha chè theo quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu chè chất lượng cao đã được tỉnh phê duyệt và được Công ty Mường Hoa thu mua, chế biến và bao tiêu sản phẩm.
Cùng với 2 sản phẩm của Công ty Mường Hoa, đến nay, Mường Khương đã có 8 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh, trong đó 3 sản phẩm đạt 4 sao, 7 sản phẩm đạt 3 sao. Trong 9 tháng năm 2022, Mường Khương có 4 ý tưởng sản phẩm được Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP tỉnh chấp thuận, gồm dứa (HTX Thịnh Phong); thịt nạc lợn bản sấy, thịt lợn sấy vị bò khô (HTX Sơn Hòa); lạp xường Dung Sử (hộ kinh doanh Phùng Kim Dung).
Phát triển sản phẩm OCOP đã làm tăng giá trị nông sản. Như sản phẩm gạo Séng cù Mường Khương, sau khi đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh đến nay, giá bán ổn định từ 28.000 - 30.000 đồng/kg, tăng 2 - 2,5 lần so với một số loại gạo khác. Đồng thời, thu nhập của người lao động tăng khoảng 10%, chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP tăng từ 15 - 30% so với trước khi được công nhận sản phẩm OCOP.
Thời gian tới, Mường Khương tăng cường công tác quy hoạch, cơ cấu lại vùng sản xuất hàng hóa; tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng thương hiệu nông sản, gắn sản xuất với chế biến để nâng cao giá trị nông sản.
Nâng cao thu nhập cho người dân
Theo số liệu thống kê của sở Nông nghiệp và PTNT, Lào Cai hiện có 184 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, với số lượng 88 chủ thể; có 8 trung tâm/điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. 98% sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử, tạo gian hàng số và có tài khoản thanh toán điện tử.
Việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP đã giúp người nông dân ở Lào Cai tăng 10% thu nhập so với trước đây.
Ngoài ra, các sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia trưng bày tại các hoạt động, sự kiện xúc tiến thương mại gồm: Hội chợ OCOP Quảng Ninh hè 2023; sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc; tuần lễ sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng vùng, miền tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2023; hội chợ Làng nghề Việt Nam lần thứ 19 trong khuôn khổ Festival bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023; tổ chức Tuần lễ nhận diện nông sản thực phẩm an toàn và sản phẩm OCOP của tỉnh Lào Cai tại TP. Hà Nội; tổ chức Tuần hàng nông sản an toàn và sản phẩm OCOP năm 2023 tại Lào Cai; tham gia Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam năm 2023 tổ chức tại Hà Nội; trưng bày giới thiệu sản phẩm tại Văn phòng Bộ Nông nghiệp và PTNT; hỗ trợ xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP sau chế biến (hỗ trợ tem nhãn dán và bao bì)…
Tỉnh Lào Cai đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 240 sản phẩm được công nhận đạt từ 03 sao trở lên (mỗi năm có khoảng 30 sản phẩm).
Những hiệu quả về kinh tế do sản phẩm OCOP mang lại cho thấy, Chương trình mỗi xã một sản phẩm đã góp phần định hướng tổ chức sản xuất, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng vùng, địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn. Theo ông Chu Hoàng Nguyện, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT), Chương trình mỗi xã một sản phẩm đã lan tỏa đến nhiều địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất sản phẩm và dịch vụ du lịch.
Chương trình chú trọng hướng vào phát triển các vùng sản xuất gắn với cây, con chủ lực, thế mạnh các ngành, nghề truyền thống, đặc sản của địa phương; từng bước hình thành, nhân rộng các mô hình liên kết kinh tế, hợp tác xã nông nghiệp, phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ, kỹ thuật cao vào sản xuất. Tham gia chương trình OCOP, nhiều chủ thể dần thay đổi nhận thức và quan tâm hơn đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua việc đầu tư mua sắm máy móc, kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng hồ sơ tự công bố, kế hoạch kiểm soát chất lượng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm; bao bì sản phẩm được nâng cấp, cải tiến...
Ngày càng có nhiều sản phẩm được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến và tin dùng như chè (Mường Khương, Bảo Thắng, Bảo Yên, Bắc Hà), dược liệu (Sa Pa, Si Ma Cai), tương ớt (Mường Khương, Văn Bàn), gạo Séng cù (Bát Xát, Mường Khương), miến đao (Bát Xát), bưởi Múc (Bảo Thắng), cá hồi (Sa Pa), hồng không hạt Bảo Hà (Bảo Yên), quế, mật ong (Bảo Yên, Bảo Thắng), gạo nếp Thẩm Dương (Văn Bàn)... Điều đáng nói, số lao động làm việc tại cơ sở sản xuất tăng so với trước khi được công nhận sản phẩm OCOP; thu nhập của người lao động tăng khoảng 10%, thu nhập của chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP tăng từ 15 - 30% so với trước khi được công nhận sản phẩm OCOP.
“Chương trình OCOP đã giúp nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, đa dạng hơn các loại hàng hóa nông sản, dịch vụ ở nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao chất lượng hàng hóa, đặc biệt là nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển”, ông Chu Hoàng Nguyện khẳng định.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn