Quang cảnh xuống đồng của xã Quang Kim, huyện Bát Xát
Trong không khí đón xuân mới, ở khắp các huyện, thành phố, thị xã các xã nô nức cùng nhau tổ chức lễ hội xuống đồng với nghi lễ và các hoạt động để khởi đầu cho một năm cày cấy, mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Đánh trống khai hội
Lễ hội xuống đồng là dịp để đồng bào các dân tộc giao lưu văn hoá, tăng cường mối đoàn kết. Đồng thời tạo không gian sinh hoạt văn hóa tinh thần vui tươi, lành mạnh, góp phần gìn giữ nét đẹp truyền thống, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Trước ngày hội, các gia đình đều quét dọn nhà cửa, xóm bản sạch sẽ, chuẩn bị lương thực để đón khách. Việc chuẩn bị cho lễ hội chủ yếu là của đàn ông, trước ngày lễ hội diễn ra thanh niên trong bản cùng với những người có chức sắc chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho lễ hội như: chuẩn bị cột còn; chuẩn bị cây để bắc lán nơi cúng chính. Lễ hội thường có hai phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ diễn ra với phần cúng của thầy cúng tại lán chính, khi cúng xong ở lán chính, thầy cúng sẽ mời các vị đại biểu vào thắp hương tại lán chính (điều kiêng kỵ của lán chính: là phụ nữ không được vào lán chính, nếu muốn thắp hương chỉ nhờ người đàn ông thắp hộ). Sau khi thắp hương xong sẽ đánh trống khai hội, thầy cúng sẽ cúng để nâng cột còn lên, khi nâng cột còn xong, thầy cúng sẽ chia còn cho một số đại biểu và già làng chức sắc trong thôn bản để ném trước.
Các dòng họ chuẩn bị mâm cỗ dâng cúng các vị thần linh
Vào ngày lễ xuống đồng, ngoài đồng của thôn, mỗi dòng họ chuẩn bị một mâm cỗ theo khả năng, họ nào mà đông thì có thể chuẩn bị 2 đến 3 mâm cỗ dâng lên các vị thần linh. Những khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc, sinh sôi nảy nở, mọi điều an lành đều được người dân gửi gắm vào mỗi mâm lễ của dòng họ mình mình dâng lên các vị thần.
Phần lễ kết thúc, mở đầu phần hội là hội tung còn. Đây là hoạt động đông vui nhất, thu hút nhiều người tham gia nhất. Khi quả còn xuyên thủng hồng tâm của vòng tròn, là âm dương đã giao hoà, cuộc sống sẽ sinh sôi, mùa màng sẽ bội thu và ai ném trúng hồng tâm đầu tiên sẽ được trao giải thưởng, được coi là điềm may mắn trong cả năm, được thần linh phù hộ. Nếu ở lễ hội nào không có ai tung còn trúng vòng tròn, xuyên thủng hồng tâm thì dân bản không vui, vì theo quan niệm đó là điềm báo một năm mới không thuận lợi, đây là nét đặc sắc mà chỉ dân tộc Tày mới có. Thông qua hoạt động tung còn là dịp nam, nữ thanh niên trao gửi tâm ý với nhau, nhiều đôi trai làng, gái bản đã nên duyên vợ chồng từ những dịp tung còn trong ngày hội xuân.
Sau phần lễ là phần hội với các tiết mục văn nghệ ca ngợi Đảng, Bác Hồ, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng quê hương, đất nước đổi mới. Đặc biệt, các điệu múa truyền thống dân tộc Tày, như: dậm thuông, múa chuông, múa khăn, múa quạt…mang đậm đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân được tái hiện tại lễ hội. Phần thi cày ruộng là hoạt động thu hút sự chú ý nhất, sau hiệu lệnh của trọng tài, các thợ cày điều khiển máy cày lao nhanh về đích, trong tiếng hò reo, cổ vũ vang dội của người dân trong thôn, bản mình và du khách đến tham dự Hội xuống đồng.
Cùng với đó, người dân và du khách còn được tham gia các môn thể thao dân tộc truyền thống như: thi ném còn, kéo co, bịt mặt bắt vịt, đi cầu thăng bằng… Qua đó đã tạo sân chơi vui vẻ, lành mạnh, ý nghĩa cho người dân dịp đầu xuân, năm mới, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc của đồng bào người Lào Cai.
Dưới đây là một số hình ảnh tại lễ hội:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn