Homestay số 1 Mè Thiều, thôn Bản Hón là một trong những địa chỉ hấp dẫn du khách khi tới Nghĩa Đô. Với sân vườn rộng, nhiều cây xanh, nhà sàn thoáng mát, bên cạnh dòng suối Nặm Cằm, tới Mè Thiều, du khách được thả hồn vào không gian của một gia đình người Tày truyền thống. Để tạo thêm điểm nhấn cho homestay, gia chủ đã sáng tạo, tận dụng thân cây cọ già, thiết kế và lắp đặt một hệ thống bóng điện, thắp sáng dọc hàng rào.
Để làm số đèn vừa có tác dụng chiếu sáng, vừa trang trí như này, gia đình bà Thúy đã dùng thân cọ già, chọn lấy phần thân gần gốc cọ. Bởi theo kinh nghiệm dân gian, thân cây cọ già rất bền, không bị mối, mọt, lại là vật liệu có sẵn tại địa phương, thân thiện với môi trường, tiết kiệm được chi phí.
Ban ngày, những chiếc đèn cọ trông như những cây nấm gỗ, còn buổi tối đèn được bật sáng, làm cho không gian homestay trở nên lung linh, rực rỡ. Hệ thống đèn cọ được homestay Mè Thiều đưa vào trang trí khoảng hai tháng nay, nhiều du khách tới đây nghỉ dưỡng đều thích thú và có ấn tượng tốt với sáng tạo này.
Cũng sử dụng thân cọ để trang trí nhà, nhưng gia đình bà Cổ Thị Bảy, thôn Mường Kem lại đưa vào thiết kế làm hàng rào. Những thân cọ già được xẻ dọc thành các thanh cọ dài, bản to khoảng 20 cm, rào bao quanh vườn nhà. Cùng với chiếc cổng gỗ, nhà sàn lợp mái cọ, hàng rào cọ đã tạo thêm nét hài hòa cho không gian chung của ngôi nhà.
Bà Cổ Thị Bảy cho biết: Trước đây, chúng tôi chỉ biết dùng lá cọ để lợp mái nhà, đan quạt, cuống cọ làm mành, quả cọ để ăn, còn những thân cọ già, cây cao không thể lấy lá và quả thì sẽ chặt bỏ. Gần đây, khi được chuyên gia tư vấn văn hóa - du lịch của huyện Bảo Yên đến hướng dẫn dùng thân cọ trang trí nhà cửa, gia đình tôi đã ứng dụng làm hàng rào cọ, thấy rất hữu ích.
Thời gian tới, gia đình bà Bảy sẽ trồng thêm một số loại cây dược liệu trong vườn nhà bên trong hàng rào, vừa bảo tồn các loại giống thuốc quý vừa làm khung cảnh vườn nhà thêm xanh mát, tôn lên vẻ đẹp của hàng rào từ thân cọ.
Với gia đình ông Hoàng Văn Chê, ở thôn Nà Khương, sáng tạo từ thân cây cọ lại được ứng dụng để làm chậu hoa. Lựa chọn cây cọ già, vươn cao không thể chặt lá, ông Chê cưa thành các khúc cọ có độ dài khoảng 1 m. Sau đó khoét rỗng thân cọ, đổ đất vào bên trong lõi cọ và trồng hoa. Ngoài ra, ông cũng dùng thân cọ để làm máng đựng nước, vật dụng vừa thân thiện với môi trường, vừa hài hòa với kiến trúc nhà sàn truyền thống.
Ông Hoàng Văn Chê tâm sự: Đặc tính của thân cây cọ là lớp vỏ cứng và chắc, phần lõi lại mềm, xốp. Vì thế, thân cọ rất dễ khoét lõi, tạo thành khoảng rỗng phía trong, có thể dùng để trồng hoa, hoặc làm máng nước, chậu rửa tay, rửa chân… sử dụng hằng ngày trong gia đình.
Ngày nay, nhiều gia đình có xu hướng trang trí, thiết kế nhà thân thiện với môi trường. Đặc biệt, với Nghĩa Đô, địa phương đang bảo tồn văn hóa truyền thống của người Tày để xây dựng và phát triển du lịch thì các nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, có sẵn tại địa phương được ưu tiên sử dụng. Việc dùng thân cọ già để trang trí không gian sinh hoạt, đón khách trong gia đình của các homestay ở Nghĩa Đô được thực hiện dưới sự hướng dẫn của chuyên gia tư vấn văn hóa - du lịch, nên các ứng dụng được thiết kế theo mẫu, vừa đảm bảo tính thân thiện vừa mang yếu tố thẩm mỹ.
Qua khảo sát các hộ làm dịch vụ homestay tại điểm du lịch cộng đồng xã Nghĩa Đô chúng tôi nhận thấy, các gia đình đã được chuyên gia tư vấn, hướng dẫn thiết kế thân cọ vào những mục đích sử dụng khác nhau, không trùng lặp, tạo điểm nhấn khác biệt tại mỗi homestay. Mỗi mẫu thiết kế ứng dụng từ thân cây cọ được tạo ra sẽ “kể” một câu chuyện hấp dẫn với du khách.
Nguồn tin: Báo Lào Cai
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn