Bến đò Hồng Cam ngày ấy giờ nhộn nhịp xe cộ, hàng hóa tấp nập ngược xuôi. Sự trù phú, sinh sôi hiển hiện trên mảnh đất mom sông này. Hồng Cam giờ đã trở thành thôn điển hình trong xây dựng nông thôn mới của xã Cam Cọn.
Từ những năm 60 của thế kỷ trước, nghe theo tiếng gọi của Đảng, nhiều hộ từ Nam Định, Hưng Yên lên khai hoang, lập nghiệp tại mảnh đất bên dòng suối Nhù và dòng sông Hồng cuộn đỏ. Khi ấy, những cư dân đầu tiên đã lấy chữ “Hồng” trong quê cũ Phạm Hồng Thái ở huyện Tri Ân (Hưng Yên) và chữ “Cam” trong tên xã Cam Cọn của vùng đất mới, ghép lại thành tên Hồng Cam. Vùng đất mới, khí hậu, thổ nhưỡng, tập quán canh tác… đều mới nên thời gian đầu, những hộ ở Hồng Cam loay hoay trong việc phát triển kinh tế gia đình. Thêm vào đó, vùng đất mà họ chọn “đóng đô” ở mom sông, bên bến đò Hồng Cam tứ bề là nước. Ở cái thế “ngăn sông”, đường nội thôn, liên thôn chủ yếu là đường đất, nên giao thông rất khó khăn, việc đi lại, sinh hoạt, trao đổi, buôn bán vì thế chậm phát triển. Thời gian ấy, các hộ chủ yếu canh tác nông nghiệp, trồng ngô, trồng sắn, gắng lắm cũng chỉ đủ ăn, đủ mặc, số hộ đói, hộ nghèo chiếm phần lớn trong thôn.
Giờ đây, giao thông dần được nâng cấp, các tuyến đường được sửa chữa, những cây cầu mới như cầu Bảo Hà, cầu suối Nhù được xây dựng đã nối gần thôn Hồng Cam và cả xã Cam Cọn với trung tâm huyện Bảo Yên, các xã của huyện Bảo Thắng, của thành phố Lào Cai, thêm nhiều cơ hội phát triển cho vùng đất mới. Hồng Cam hôm nay đã vẽ nên bức tranh kinh tế - xã hội tươi sáng.
Gần đây, người dân Hồng Cam tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Thời “lăn lộn” với ngô, sắn đã qua, giờ đây Hồng Cam trù phú với rừng mỡ, rừng bồ đề xanh thắm. Những mô hình chăn nuôi gà, lợn, những vườn cây ăn trái sum suê cho thu nhập cao.
Là diện khá, giàu của thôn, gia đình ông Hoàng Văn Minh luôn là địa chỉ đỏ để bà con trong thôn, trong xã và các vùng lân cận đến học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình. Trong khu đất chỉ gần 500 m2, ông Minh xây dựng khu chăn nuôi lợn giống và lợn thịt với quy mô lớn. Chủ động được nguồn giống nên mỗi năm, gia đình ông bán ra thị trường 15 tấn lợn thịt; sau khi trừ chi phí, thu lãi 200 - 350 triệu đồng. Thêm vào đó, với 1 ha đất đồi, ông đầu tư trồng rừng cũng cho nguồn thu đáng kể.
Kinh tế phát triển, nhận thức của người dân nâng lên. Bà con thôn Hồng Cam hiểu rằng muốn phát triển kinh tế hoặc làm việc gì thì cũng phải có kiến thức nên luôn quan tâm đến việc học tập của con em mình. Nhờ vậy, tất cả trẻ trong thôn đều được học hết các bậc học phổ thông, phần lớn trong số đó học tiếp lên trung cấp, cao đẳng, đại học. Nhiều năm nay, thôn không có gia đình sinh con thứ 3. An ninh chính trị, an toàn xã hội được giữ vững.
Tự hào vì đã có thôn điển hình để nhân rộng, đồng chí Lý Văn Bảo, Bí thư Đảng ủy xã Cam Cọn khẳng định: Hồng Cam là thôn phát triển của xã Cam Cọn. Đời sống vật chất và tinh thần của bà con ngày càng được nâng cao. Hồng Cam luôn đi đầu trong các phong trào, hoạt động của xã. Vì vậy, xã chọn Hồng Cam là thôn đầu tiên xây dựng thôn nông thôn mới, bước đầu đã có thành công. Bà con thi đua phát triển kinh tế gia đình, xuất hiện nhiều mô hình điển hình như chăn nuôi gà, lợn theo hướng tập trung, trồng chuối ngự hàng hóa… đem lại nguồn thu nhập ổn định. Chúng tôi sẽ nhân rộng điển hình thôn Hồng Cam ra toàn xã, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Nguồn tin: Báo Lào Cai
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn