Là xã đầu tiên của huyện Văn Bàn về đích nông thôn mới cuối năm 2014, đến nay, các tiêu chí của xã Văn Sơn không chỉ được duy trì bền vững, mà nhiều tiêu chí đi vào chiều sâu bằng việc nâng cao chất lượng. Trong đó phải kể đến các tiêu chí thu nhập, hộ nghèo, môi trường và an toàn thực phẩm, nhà ở dân cư... Bí thư Đảng ủy xã Trần Văn Thành cho biết: Đối với tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, việc duy trì các hố đựng rác tại gia đình, định kỳ vệ sinh đường làng, ngõ xóm, giữ gìn vệ sinh trong chăn nuôi được các thôn đưa vào quy ước và tạo thành nếp sống trong cộng đồng dân cư. Các thôn cũng đưa ra nhiều giải pháp và ký cam kết với từng hộ về chăn nuôi an toàn, đảm bảo vệ sinh.
Còn tại huyện Si Ma Cai, xác định việc hoàn thành tiêu chí môi trường là tiêu chí khó, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Si Ma Cai đã tích cực tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân cùng nhau quyết tâm thực hiện. Đến nay, toàn xã đã có 99,6% hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh. Trong đó có 8 công trình nước sạch, 211 cơ sở sản suất, kinh doanh. Số hộ có nhà vệ sinh 1087/1140 hộ đạt 95,35%, chăn nuôi đảm bảo bảo vệ sinh môi trường với tổng số 216/263 hộ chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh đạt 82,1%. Đường thôn ngõ xóm được vệ sinh sạch sẽ. Để đạt được mục tiêu này, cấp ủy, chính quyền xã tăng cường tuyên truyền, vận động, chỉ đạo các ban ngành đoàn thể thực hiện vệ sinh đường thôn ngõ xóm, sửa sang chuồng trại. Đồng thời hỗ trợ, vận động nhân dân làm mới 53 nhà vệ sinh hộ gia đình, làm mới 15 lò xử lý rác, đốt rác thải và thành lập 6 tổ thu gom rác thải ở 6 thôn.
Thời gian qua, để triển khai thực hiện hiệu quả tiêu chí về môi trường, các địa phương trong tỉnh đã chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt và có sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Do đó, trong năm 2017, phong trào thi đua vệ sinh môi trường nông thôn đã được nhân dân hưởng ứng tích cực, trong 9 tháng làm mới 5.223 nhà tiêu hợp vệ sinh, đạt 64,81% kế hoạch năm; 2.652 chuồng, trại chăn nuôi. Tuy nhiên, đây là nội dung khó, không chỉ yêu cầu đầu tư kinh phí mà còn nhiều vấn đề liên quan tới tập quán lâu đời đã ăn sâu trong nếp sống của người dân không dễ dàng thay đổi. Do đó công tác tuyên truyền, vận động nhân dân được đặt lên hàng đầu. Hằng tháng, các sở, ban, ngành, đoàn thể đã chủ tổ chức các hoạt động thiết thực tại các huyện, các xã để vận động, tuyên truyền nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới, hưởng ứng các phong trào thi đua do tỉnh phát động như: Làm đường giao thông nông thôn, vệ sinh môi trường, phát triển sản xuất, xây dựng mô hình nhà sạch vườn đẹp.
Chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2017, toàn tỉnh đã tổ chức các hội thi tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới cho 8.313 lượt cán bộ, đoàn viên thanh niên; tuyên truyền qua đài truyền thanh truyền hình trên 6.500 tin, bài với 2.865 lượt chương trình, chuyên mục (các tin, bài trên được phát bằng tiếng Việt và được biên dịch ra tiếng Mông, Dao, Giáy phát sóng trên truyền hình Lào Cai); 1.972 lượt tin bài đăng trên các báo, bản tin nội bộ, cổng thông tin điện tử, trong đó nhấn mạnh tuyên truyền thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm 2017; ngoài ra còn tổ chức tuyên truyền miệng gần 11.900 buổi thu hút trên 479 nghìn lượt người tham gia... Tính đến hết tháng 9/2017, toàn tỉnh có 39/143 (đạt 27,2%) xã đã được thẩm định và công nhận đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới. Dự kiến trong quý IV năm 2017 sẽ tiến hành đánh giá việc triển khai xây dựng và hoàn thành tiêu chí 17 của 8 xã đăng ký năm 2017 theo kế hoạch của UBND tỉnh Lào Cai.
Với sự vào cuộc tích cực, sự lãnh đạo tập trung thống nhất, thường xuyên, liên tục của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp giữa các cấp, ngành, cùng sự quan tâm chỉ đạo sát sao của ngành tài nguyên và môi trường, tiêu chí môi trường đã có nhiều chuyển biến. Trong đó, thể hiện rõ nhất là hoạt động phân loại, thu gom và xử lý chất thải tại các địa phương đã được triển khai thực hiện. UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố Lào Cai, huyện Sa Pa và huyện Bát Xát.
Với quyết tâm, chủ động, tích cực của của các sở, ngành, địa phương và đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân, đến nay, có khoảng 70% số hộ gia đình, tổ chức, cá nhân đã thực hiện phân loại rác tại nguồn ở 12 phường của thành phố Lào Cai; 22 tuyến thuộc 3 xã (Vạn Hòa, Đồng Tuyển, Cam Đường) triển khai từ tháng 9/2016, đạt khoảng 45%; thị trấn Sa Pa đạt khoảng 70%. Kết quả đó góp phần quan trọng vào hoạt động ổn định của Nhà máy xử lý rác thải tại thành phố Lào Cai (số lượng công nhân lao động giảm, lượng mùn comphost thu hồi tăng từ 3,44 % lên trên 10% với chất lượng và giá bán được nâng lên...). Hiện tại, UBND tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Đề án và mở rộng tại huyện Bát Xát và Bảo Thắng.
Tiêu chí môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm hướng đến mục tiêu bảo vệ, nâng cao chất lượng môi trường sinh thái ở vùng cao, vùng còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy để hoàn thành mục tiêu của tỉnh Lào Cai, phấn đấu có 50/143 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thì việc các địa phương từ huyện đến cơ sở có nhiều giải pháp, cách làm hay thực hiện hiệu quả tiêu chí môi trường theo hướng bền vững là bước đệm vững chắc, tạo đà cho nông thôn mới ở vùng cao Lào Cai sẽ ngày thêm khởi sắc.