Chủ trì Hội thảo có ông Nguyễn Minh Tiến – Chánh Văn phòng Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương và Ông Hoàng Hải Minh - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.
Hội thảo được tổ chức trực tuyến với sự tham gia của hơn 500 đại biểu tại các điểm cầu của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, tỉnh Lào Cai có hơn 50 đại biểu ở 01 điểm cầu tỉnh và 02 điểm cầu tại huyện Bảo Thắng và Văn Bàn.
Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tuyến
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương nhấn mạnh, trong triển khai xây dựng nông thôn mới, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã được từng bước áp dụng ở nhiều địa phương. Các mô hình làng nông thôn mơí thông minh đã được triển khai ở một số địa phương như Hà Tĩnh, Đồng Tháp. Bộ Thông tin và Truyền thông đã thí điểm xây dựng thí điểm 10 xã thông minh trên toàn quốc. Tuy nhiên các mô hình này mới đang tiếp cận ở từng nội dung hoạt động, lĩnh vực.
Hội thảo lần này nhằm trao đổi kinh nghiệm, định hướng xây dựng làng/xã thông minh ở Việt Nam; đề xuất tiếp cận, nội dung xây dựng làng/xã thông minh trong xây dựng NTM và thảo luận, thống nhất một số đề xuất về tên gọi, nội dung xây dựngxã thông minh trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng mạnh mẽ hơn nữa khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ số được coi là giải pháp ưu việt giúp khoảng cách, chất lượng cuộc sống giữa nông thôn và thành thị xích lại gần nhau hơn.
Các đại biểu tham dự tại đầu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lào Cai
Tại buổi hội thảo, các đại biểu đã được chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng thí điểm xã NTM thông minh với mô hình "xã thông minh" kết nối dịch vụ đô thị thông minh ở Thừa Thiên Huế. Theo ông Nguyễn Đình Đức- Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thừa Thiên Huế, thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, tỉnh Thừa Thiên Huế đã sớm có chủ trương thí điểm triển khai xây dựng mô hình "xã thông minh". Mô hình được thực hiện thí điểm tại xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc và xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền.
Hiện mô hình thí điểm đang ở những bước đầu tiên nhưng đã thể hiện được nhiều điểm ưu việt. Đó là: Hỗ trợ được việc điều hành chính quyền cấp xã thông qua phòng giám sát điều hành xã thông minh, giúp cho chính quyền cấp xã bao quát được các vấn đề về an sinh xã hội, an toàn trật tự ở nông thôn; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, dự báo về môi trường, chia sẻ dữ liệu quan trắc, giám sát các dữ liệu phục vụ cho nuôi trồng, sản xuất tại địa phương phục vụ cho việc quản lý, điều hành một cách khoa học và chặt chẽ…
Trong khuôn khổ hội thảo, nhiều đại biểu đã tham gia góp ý thêm cho mô hình "xã thông minh" kết nối dịch vụ đô thị thông minh tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo các đại biểu, việc chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là điều tất yếu, phù hợp với xu hướng chung của đất nước và thế giới, mô hình "xã thông minh" ở Thừa Thiên Huế là mô hình điểm ưu việt, hiệu quả, cần sớm nhân rộng trên toàn quốc.
Các đại biểu khẳng định, việc xây dựng mô hình "xã thông minh" trong xây dựng nông thôn mới nhằm hoàn thiện chính quyền điện tử cấp xã và hướng đến chính quyền số, hỗ trợ việc điều hành chính quyền cấp xã “thông minh hơn”. Bên cạnh đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an toàn trật tự ở nông thôn; ứng dụng khoa học công nghệ để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tăng giá trị nông sản và mở rộng giao dịch trên mạng Internet.