Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi, trên địa bàn tỉnh hiện có 861 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, trong đó có 768 công trình đang hoạt động. Các công trình đã cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân khu vực nông thôn. Tính đến tháng 11/2021, tỷ lệ người dân khu vực nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh là 95,5%. Nhằm nâng cao chất lượng nước sinh hoạt khu vực nông thôn, một số công trình cấp nước đã được đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, áp dụng công nghệ xử lý nước, nâng tiêu chuẩn nước sinh hoạt từ hợp vệ sinh lên tiêu chuẩn nước sạch của Bộ Y tế. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch hiện nay đã đạt gần 40%.
Công trình cấp nước sinh hoạt 7 thôn Tả Trang, xã Quang Kim (Bát Xát) là một trong những công trình được đầu tư, nâng cấp để đạt tiêu chuẩn cấp nước sạch cho người dân. Công trình này hiện đang áp dụng công nghệ lọc nước bằng áp suất cao trải qua 4 giai đoạn, nước thành phẩm là nước sạch đạt các tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Anh Châu A Lỉ, Tổ trường tổ quản lý Công trình cho biết: Công trình ở khu vực miền núi, cứ có mưa lớn là nước bị đục. Trước đây, không có gì để xử lý nên cứ sau những trận mưa lớn là phải tạm dừng việc cấp nước vài ngày, có khi là cả tuần. Bây giờ công trình được đầu tư, có hóa chất xử lý nước, chúng tôi vận hành theo đúng quy trình, bà con sẽ đảm bảo có nước sạch, an toàn để sử dụng.
Anh Châu A Lỉ vận hành công trình cấp nước sạch 7 thôn Tả Trang, xã Quang Kim (Bát Xát).
Công trình cấp nước sinh hoạt 7 thôn Tả Trang là 1 trong 32 công trình được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, mở rộng sử dụng nguồn vốn do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. Hiện nay, đã có 30/32 công trình hoàn thành thi công và đưa vào sử dụng, 2 công trình sẽ tiếp tục được triển khai trong năm tới. Các công trình đã cấp nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn nước sạch của Bộ Y tế cho hơn 11.000 hộ dân khu vực nông thôn. Nước thành phẩm thường xuyên được các cán bộ của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (Chi cục Thủy lợi) kiểm tra và đánh giá chất lượng nên nhiều hộ dân rất yên tâm khi sử dụng.
Chỉ tiêu về nước sạch cũng là một trong những tiêu chí quan trọng trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Việc đầu tư nâng cao chất lượng nước sinh hoạt hợp vệ sinh lên tiêu chuẩn nước sạch của Bộ Y tế cũng góp phần hoàn thành chỉ tiêu 17.1 – Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh thuộc tiêu chí 17 – Môi trường và An toàn thực phẩm của nhiều địa phương. Việc nâng cao chất lượng nước góp phần giảm thiểu các bệnh liên quan đến nước và vệ sinh môi trường, cải thiện sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng đời sống. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn Bộ Y tế từ các công trình cấp nước sinh hoạt vẫn còn thấp. Các công trình cấp nước sinh hoạt mang tính hỗ trợ nhân dân nhằm từng bước cải thiện đời sống, không vì mục đích kinh doanh nên công trình đầu tư đơn giản, chất lượng nước hầu hết chỉ đạt ở mức hợp vệ sinh. Số công trình do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn làm chủ đầu tư, áp dụng công nghệ xử lý và khử trùng đảm bảo tiêu chuẩn nước sạch chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ.
Cán bộ kĩ thuật Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn lấy mẫu kiểm tra chất lượng nước thành phẩm
Ông Nguyễn Quang Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: Tỉnh Lào Cai phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 97%, trong đó có 50% được sử dụng nước sạch. Trong giai đoạn tới, chúng tôi tập trung nâng cấp, sửa chữa và quản lý, vận hành, bảo dưỡng các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn; tăng và ổn định bền vững tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch, đặc biệt ưu tiên khu vực dân tộc thiểu số. Để đạt mục tiêu về nước sạch nông thôn đến năm 2025, lượng vốn đầu tư cần rất lớn nên chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư hợp tác, lồng ghép các chương trình, dự án để có thêm nguồn lực, nỗ lực nâng cao tỉ lệ người dân được sử dụng nước sạch ở khu vực nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân.