Ông Nguyễn Xuân Giang- Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Hà cho biết: Đây là tín hiệu vui, tích cực, báo hiệu Bắc Hà hứa hẹn sẽ sớm có thêm một số sản phẩm OCOP mới triển vọng của năm 2021. Bởi thực tế, từ năm 2018, Huyện đã khảo sát xây dựng được 08 sản phẩm chủ lực để có sự chọn lọc kĩ lưỡng, tuân thủ theo đúng quy trình OCOP và đến thời điểm cách đây hơn 1 tháng, khi trình ý tưởng sản phẩm đến sở NN&PTNT, Giám đốc Sở đã có văn bản đồng ý, chấp thuận để huyện chọn 4 sản phẩm này làm OCOP năm nay, gồm: Cải xoăn Kale Bắc Hà; Quả mận sấy dẻo xã Tà Chải Bắc Hà; Tinh dầu quế Nậm Đét; Sản phẩm Cốm thôn Na Lo xã Tà Chải. Đây đều là các sản phẩm tiêu biểu, có tính chất phổ quát và tất cả đều có những tiềm năng lớn, đã được UBND tỉnh, sở NN&PTNN chấp thuận đồng ý để huyện xây dựng sản phẩm OCOP năm 2021.
Sản phẩm Cốm Na Lo được bày bán tại khu vực cổng Đền Bắc Hà để phục vụ khách du lịch
Cũng theo ông Giang, việc lựa chọn đúng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có tiềm năng lợi thế lớn, về lâu dài có thể mang tới lợi ích thiết thực nhất cho người dân, chính là một trong những nội dung quan trọng nhất được ngành Nông nghiệp huyện Bắc Hà hướng tới khi triển khai trương trình OCOP “mỗi xã một sản phẩm” hàng năm. Và thực tế, trong năm 2021 này, từ việc xây dựng ý tưởng sản phẩm đến việc tích cực giúp đỡ các chủ thể HTX hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý… đã và đang nói lên nỗ lực rất lớn của ngành chức năng huyện trong thực hiện chương trình OCOP năm nay.
Bắc Hà chú trọng thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm “OCOP”, trên cơ sở đi chắc tiến chắc. Có 1 thuận lợi là ngay từ rất sớm, Phòng NN&PTNT huyện đã làm tốt công tác tư vấn, hỗ trợ, khuyến khích phát huy vai trò tích cực của các chủ thể quản lý, các HTX nông dân, do vậy tính đến thời điểm này, tất cả 4 sản phẩm đăng kí OCOP 2021 của huyện đều đã hoàn tất hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền xem xét, thẩm định và sẽ sớm có kết quả trong thời gian tới.
Đánh giá về tiềm năng, lợi thế từ những sản phẩm trên, ngành nông nghiệp huyện Bắc Hà cho rằng: Cả 4 sản phẩm đều rất triển vọng và rất có thể sẽ đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Bởi trong quá trình làm OCOP, Đơn vị đã tính toán, cân nhắc kĩ lưỡng đến nhiều yếu tố, đặc biệt là việc phát huy tiềm năng, thế mạnh để có thể khai thác, phát triển lâu dài, từ đó đem lại những lợi ích thiết thiết thực nhất đến với người dân.
Trước tiên, Bắc Hà có vùng nguyên liệu rất lớn về vùng cây ăn quả ôn đới, đây được xem là lợi thế mang tính đặc trưng riêng có của Bắc Hà mà ít nơi nào có được, trong đó có cây mận Tam Hoa đặc sản được xét đến với hiệu quả kinh tế cao. Nếu xét về mặt lâu dài, để khai thác, nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho nhân dân sẽ cần tính toán, đa dạng hóa sản phẩm từ việc bán quả tươi đến chế biến, bảo quản, bao gói sản phẩm… sẽ nâng cao hơn giá trị thu được.
Cây cải xoăn KaLe cũng được đánh giá là tiềm năng, triển vọng với Bắc Hà, bởi đây là giống rau có hàm lượng dinh dưỡng cao tốt cho sức khỏe. Cây cải KaLe thích hợp trồng ở những vùng có khí hậu mát mẻ, độ ẩm cao và thực tiễn đã minh chứng, loại cây trồng này tỏ ra khá phù hợp với đồng đất, khí hậu, thổ nhưỡng tại huyện, cho hiệu quả kinh tế cao với người dân.
Với sản phẩm Cốm Na Lo- Tà Chải, được xét là tiềm năng, xong thời gian để có sản phẩm thường không kéo dài, do vậy cần về lâu dài, cần tính toán thực hiện tốt công nghệ bảo quản.
Một sản phẩm nữa là tinh dầu quế Nậm Đét. Sản phẩm này cũng rất triển vọng vì xã Nậm Đét có vùng nguyên liệu quế hữu cơ rộng lớn. Với sản phẩm này một số huyện khác trong cả nước đã triển khai, tuy nhiên vẫn rất khó để sắp xếp thuộc nhóm ngành gì, do vậy đang chờ xin ý kiến chỉ đạo từ Sở NN&PTNN tỉnh…
Sản phẩm Mận Tam Hoa sấy dẻo của Sải Thị Bích Huế và HTX Quang Tôm
Riêng với sản phẩm quả mận Tam Hoa sấy dẻo của HTX Quang Tôm có địa chỉ thôn Na Pắc Ngam- xã Tà Chải, ngành nông nghiệp huyện đánh giá đây là ý tưởng sáng tạo, rất khả thi bởi có tính thực tiễn khá tốt. Trước đây các sản phẩm quả mận tươi của Bắc Hà, mỗi khi đến vụ thu hoạch thường tiêu thụ khá tốt bởi Bắc Hà là một địa danh du lịch, do vậy người dân ít tính toán đến việc bảo quản dài ngày. Nhưng từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiêu thụ các loại nông sản bản địa nói chung. Đặt ra vấn đề cấp thiết cần bảo quản nông sản dài ngày hơn, nhất là cần tính toán đến việc chế biến sâu các sản phẩm để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường, có thể bảo quản được lâu hơn, đưa sản phẩm đi xa hơn đến tay người tiêu dùng cũng như việc bán hàng trên thương mại điện tử, các cửa hàng, siêu thị lớn. Và HTX Quang Tôm- xã Tà Chải là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực này.
Có mặt tại HTX Quang Tôm, thôn Na Pắc Ngam, xã Tà Chải, chúng tôi được chủ nhiệm HTX- Chị Sải Thị Bích Huế (sinh năm 1989), hiện đang là cán bộ tại trung tâm y tế huyện giới thiệu về sản phẩm “quả mận tam hoa sấy dẻo”. Chị Huế phấn khởi dẫn đi thăm quan “mục sở thị” khu vực nhà xưởng rộng trên 100 m2 của gia đình mình và cho biết: Ý tưởng của em bắt nguồn từ thực tế năm nay, bởi sản phẩm mận tam hoa chính vụ của gia đình khó tiêu thụ do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, do vậy đã nghĩ tới việc sấy dẻo sản phẩm để bảo quản lâu dài hơn. Và, cũng rất may mắn khi sản phẩm Mận Tam Hoa sấy dẻo em làm ra đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin tưởng, chấp nhận. Thêm nữa, Ý tưởng sản phẩm OCOP “Mận Tam Hoa sấy dẻo” được phòng NN&PTNN huyện khuyến khích phát triển...” Cũng chính vì thế, HTX Quang Tôm đã chính thức ra mắt với 7 thành viên tham gia. Tất cả đều chung một mong muốn: “Có thể Nâng cao được thương hiệu mận Tam hoa Bắc Hà và hướng đến việc nâng cao thu nhập cho bà con, những người đã, đang gắn bó với cây Mận Tam Hoa trên quê hương mình.
Trong việc phát triển các sản phẩm OCOP, quan điểm chỉ đạo chung của Phòng NN&PTNN huyện Bắc Hà là sẽ toàn tâm, toàn ý, dốc toàn lực giúp đỡ các xã sớm có sản phẩm OCOP, đặc biệt là các xã đang trên lộ trình xây dựng NTM, xây dựng NTM nâng cao như Bản Liền, Tà Chải, tuy nhiên xác định đây là chương trình có ý nghĩa quan trọng do vậy đã tham mưu UBND huyện yêu cầu chính quyền các xã cùng chung tay vào cuộc, nhất là việc xác định rõ những sản phẩm ưu việt, có tính lợi thế, bố trí thêm nguồn kinh phí khuyến khích, hỗ trợ, động viên để các chủ thể quản lý tích cực tham gia chương trình OCOP, từ đó góp thêm sức bật giúp địa phương phát triển kinh tế- xã hội nông thôn.
Đến hết tháng 10/2021, toàn huyện Bắc Hà có 04 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó có 01 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao (đặc sản chè hữu cơ Bản Liền); 01 sản phẩm đạt 4 sao (Rượu ngô Bản Phố) và 02 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao (Sản phẩm trứng gà đen Bắc Hà; Trà túi lọc Linh chi - Astisô). Với những nỗ lực, tích cực, tin tưởng rằng chương trình OCOP tại huyện vùng cao 30A này sẽ có thêm những triển vọng mới phát triển trong năm 2021- một năm nhiều biến động do đại dịch Covid-19, Để chương trình OCOP Bắc Hà ngày càng lan tỏa sâu rộng, đóng góp thiết thực hơn nữa vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo, xây dựng NTM tại địa phương.