“Đến hẹn lại lên”, ông Dương Văn Thường, thôn Tảo Giàng, xã Lùng Vai đều đặn dành thời gian đi kiểm tra những đồi chè chuẩn bị thu hái của các hộ dân trong thôn. Với vai trò là tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất chè của thôn, đây là công việc đòi hỏi ông Thường phải dành nhiều thời gian, công sức và trách nhiệm. Theo ông Thường thì đây là quy định chung của tổ, ông Thường giữ vai trò giám sát. Bên cạnh đó, mọi hoạt động sản xuất từ đốn tỉa, chăm sóc, thu hái đều được 50 thành viên bàn bạc, tuân thủ đúng quy định. Mọi hoạt động liên quan đến sản xuất được theo dõi và ghi chép vào một cuốn sổ nhật ký, việc phun thuốc, bón phân, đốn tỉa… đều phải theo lịch trình.
“Khi nào thu hái thì thành viên trong tổ phải báo cho tổ trưởng để theo dõi. Chúng tôi cũng liên kết với các đơn vị thu mua, chế biến chè trên địa bàn. Chính quyền địa phương giữ vai trò kết nối, “đứng giữa” để bảo đảm quyền lợi cho các bên khi thực hiện hợp đồng thu mua sản phẩm chè của bà con” – ông Thường chia sẻ.
Những năm qua, UBND xã Lùng Vai đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, công tác chỉ đạo về xây dựng và phát triển kinh tế tập thể, nhất là Nghị quyết 10 - NQ/TU về chiến lược phát triển hàng hoá. Theo đó, xã Lùng Vai đã phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã tuyên truyền, giới thiệu về kinh tế tập thể và các hình thức liên kết hợp tác trong phát triển kinh tế, các mô hình phát triển kinh tế hợp tác xã. Các mô hình tổ hợp tác để đưa các nội dung phát triển kinh tế nông nghiệp vào các buổi họp thôn, hội nghị tuyên vận hàng tháng được tổ chức tại thôn và tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh của xã, biểu dương, khen thưởng, tôn vinh các hộ gia đình làm kinh tế giỏi, các mô hình có hiệu quả kinh tế cao. Tính đến nay, tổng diện tích cây chè là 1.057 ha, trong đó diện tích cây chè kinh doanh 838,5 ha, chè kiến thiết cơ bản 218,5 ha.
Theo thống kê của xã Lùng Vai, trong năm 2022 UBND xã thành lập được 14 tổ hợp tác với 653 thành viên. Đến năm 2023, trên địa bàn xã có 22 tổ hợp tác với 628 thành viên. Các tổ hợp tác được thành lập ở các thôn có vùng sản xuất chè hàng hóa giữ vai trò tổ chức sản xuất, là cầu nối giữa doanh nghiệp với nông dân. Các thành viên tổ hợp tác tổ chức sản xuất chè đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chấp hành việc bán sản phẩm theo đúng hợp đồng mua bán với các đơn vị thu mua.
Các tổ hợp tác sản xuất chè tại xã Lùng Vai hoạt động theo nguyên tắc được bàn bạc, chia sẻ kinh nghiệm, thống nhất cách làm với sự đồng thuận chung của các thành viên. Được tổ chức sản xuất hợp lý, các tổ hợp tác đã góp phần tăng năng suất chè từ 10 lên 12 tấn/ha, đầu ra sản phẩm ổn định, mối liên kết giữa sản xuất – tiêu thụ chè búp tươi ngày càng bền chặt.
Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn mang tính khách quan, chủ quan ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế của các tổ hợp tác. Một số tổ còn ít thành viên, các thành viên tham gia đôi lúc còn không thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký kết với hợp tác xã và các đơn vị bao tiêu sản phẩm trên địa bàn. Hoạt động của các tổ còn nhiều hạn chế về trình độ, năng lực tổ chức quản lý, điều hành và nghiệp vụ chuyên môn…
Theo ông Nguyễn Tiến Lượng, Chủ tịch UBND xã Lùng Vai thì phát triển kinh tế nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới của xã. Thời gian tới, xã Lùng Vai sẽ tiếp tục quan tâm, nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể, trong đó có các tổ hợp tác. Theo đó, hợp tác xã và các đơn vị thu mua, tiếp tục ký hợp đồng đạt trên 80% các hộ trồng chè. Chính quyền địa phương sẽ tập trung chỉ đạo củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các tổ hợp tác để có hiệu quả cao nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và ổn định lâu dài, nhân dân yên tâm không lo đầu ra của sản phẩm.