Chị Triệu Thị Phin đóng thùng chuyển ốc lên thành phố Lào Cai cho khách hàng
Nậm Tha vốn là xã vùng núi khó khăn của huyện Văn Bàn. Toàn xã có 654 hộ, 3.301 nhân khẩu với 4 dân tộc anh em sinh sống tại 7 thôn bản. Trong đó, dân tộc Dao chiếm 64%; dân tộc Mông 31%, còn lại 5% là dân tộc Tày và Kinh. Kinh tế của địa phương chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp kết hợp trồng rừng, thu nhập thấp, đời sống của người dân nơi đây lam lũ, vất vả mà vẫn nghèo khổ. Xuất thân từ gia đình làm nông nhưng không thể để cái nghèo làm khuất phục, bản thân là người năng động, với sức trẻ của mình chị Phin đã không ngừng học hỏi, nghiên cứu các loại cây con để thử nghiệm tại gia đình, chị thấy ốc nhồi là loại dễ nuôi, là loại nông sản đặc hữu được nhiều người yêu thích, giá bán cao, sản phẩm trên thị trường ít do hiện nay đồng ruộng sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ nên ốc ngày càng trở nên khan hiếm, nhu cầu người dân lại cao, đồng thời việc nuôi ốc nhồi không phải đầu tư chuồng trại, vốn đầu tư thấp, gia đình có sẵn ao, mương. Là người dám nghĩ, dám làm năm 2019 chị bàn với chồng tu sửa lại ao và bắt đầu mua giống ốc nhồi về nuôi, vụ đầu thí điểm gia đình chị nuôi trên diện tích ao nhỏ sau hơn 3 tháng thu hoạch kết quả ngoài sự mong đợi, những con ốc to tròn, béo đã làm động lực để vợ chồng anh chị quyết tâm mở rộng diện tích, thế là tất cả ao của gia đình được anh chị tu sửa để bắt đầu cho công cuộc nuôi ốc, đến nay với thời gian kinh nghiệm gần 5 năm chị Phin có thể tự hào chia sẻ “Ốc nhồi là loại dễ nuôi nhưng quá trình chăm sóc phải tuân thủ đúng quy trình, việc đầu tiên là phải vệ sinh ao nuôi sạch sẽ, xử lý ao nuôi bằng vôi bột, phát quang bụi rậm xung quanh bờ ao, tránh chuột làm tổ và thuận lợi trong quá trình chăm sóc. Quanh bờ ao nên thả thêm bèo tây để làm mát và tạo chỗ bám, chỗ đẻ cho ốc. Đặc biệt, vào mùa đông lạnh những loại cây này sẽ giúp ao nuôi được ấm áp và nơi trú ẩn cho ốc. Thức ăn của ốc là các sản phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương như bèo tấm, bèo cái, xơ mít, cây khoai nước rau, củ, quả, thực phẩm thả nổi trên mặt nước, ngoài ra phải quản lý được nguồn nước, theo dõi nhiệt độ, độ PH của nước thường xuyên để con ốc có thể phát triển ổn định. Người nuôi cần chú ý đến chế độ ăn đầy đủ, đảm bảo dinh dưỡng, sau mỗi vụ cần cải tạo ao đầm, nguồn nước, môi trường phải luôn đảm bảo sạch sẽ”.
Bể ươm con giống
Mỗi năm chị Phin thu hoạch và bán ra thị trường hàng tấn ốc làm thực phẩm với giá 80-120.000 đồng/kg và bán khoảng 200 vạn con ốc giống với giá từ 400-500 đồng/con, trừ chi phi 1 năm gia đình thu được lợi nhuận khoảng trên 200 triệu đồng. Việc nuôi ốc nhồi không tốn nhiều thời gian nên gia đình còn chăn nuôi lợn, gà cải thiện đời sống và tăng thêm thu nhập, gia đình cũng có 10 ha quế trồng từ năm 2014 cũng đang cho tỉa thu.
Hình ảnh chị Triệu Thị Phin.
Trước mắt chúng tôi với dáng người nhỏ nhắn, trắng trẻo, trẻ trung và xinh xắn nhưng lại là 1 người rất cứng cỏi, mạnh mẽ dám phát huy sức trẻ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, chị Phin được ví như bông hoa của núi rừng Nậm Tha, là tấm gương sáng để thế hệ trẻ học tập làm theo, từ gia đình nghèo khó, lập nghiệp từ hai bàn tay trắng chị Phin đã vượt lên chính mình thu nhập hàng trăm triệu đồng từ việc nuôi ốc.