Để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, xã Bản Xèo đã tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại. Cụ thể là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vận động người dân học nghề, tạo việc làm ổn định lúc nông nhàn. Trong sản xuất nông nghiệp, xã tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân đưa các giống lúa, ngô có năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng. Đối với diện tích đất ít mầu mỡ, không thuận lợi nước tưới, hay diện tích trồng lúa, ngô cho hiệu quả thấp, xã quy hoạch chuyển đổi sang trồng đao riềng. Hiện xã đã hình thành vùng trồng đao riềng lớn nhất huyện với gần 400 ha. Cây đao riềng đã phát triển rộng khắp 7 thôn và đem lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm và trở thành cây xóa đói, giảm nghèo của bà con.
Trong chăn nuôi, xã chủ trương nâng tổng đàn gia súc, gia cầm mở rộng quy mô theo hướng hàng hóa. Để làm được điều này, chính quyền xã chỉ đạo các hội, đoàn thể giúp các hộ gia đình hội viên được tiếp cận với vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô chuồng trại, mua thêm con giống và thức ăn phục vụ chăn nuôi. Đồng thời xã phối hợp với các ngành liên quan mở lớp tập huấn, hướng kỹ thuật, chăm sóc, nhất là việc lựa chọn giống, nguồn thức ăn, cách điều trị bệnh và giữ vệ sinh môi trường chăn nuôi. Từ đó ngành chăn nuôi của xã đã tăng trưởng nhanh qua các năm cả về số lượng và hiệu quả kinh tế. Hiện tổng đàn gia súc gia cầm của xã là trên 3 nghìn con, tăng 20% so với năm 2016. Trên địa bàn có gần 10 hộ gia đình chăn nuôi theo hướng hàng hóa.
Bên cạnh đó, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ cũng được xã định hướng phát triển. Chính quyền xã vận động nhân dân thực hiện đa dạng hóa các ngành nghề. Chú trọng vào những nghề thủ công truyền thống, những mặt hàng đặc sản địa phương và sử dụng nguyên liệu tại chỗ. Hiện trên địa bàn có nhiều ngành nghề phát triển tốt như: Nghề nấu rượu tại thôn San Lùng, tạo việc làm cho trên 60 lao động, với thu nhập từ 1,5 – 4 triệu đồng/tháng. Nghề làm miến đao tạo việc làm cho hàng chục hộ gia đình với thu nhập từ 3 – 5 triệu đồng/tháng. Nghề mộc, sản xuất vật liệu xây dựng tạo việc làm cho hàng trăm lao động lúc nông nhàn với mức thu nhập khá. Kinh tế tập thể của xã cũng từ đó mà có bước phát triển. Hiện nhân dân trong xã đã thành lập được 3 mô hình kinh tế tập thể gồm: một hợp tác xã sản xuất miến đao, một hợp tác xã sản xuất gạch không nung và một Tổ hợp tác sản xuất rượu San Lùng hoạt động ổn định và có hiệu quả.
Đồng chí Vương Mạnh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Bản Xèo cho biết: Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, Bản Xèo đã và đang có sự bứt phá mạnh mẽ trong công tác xóa đói giảm nghèo. Đời sống của người dân được cải thiện và ngày càng nâng cao. Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 20 triệu đồng/người thì đến 6 tháng đầu năm 2017 đã tăng lên 24 triệu đồng/người (tăng 20%), tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 26,6%.