Bản Cầm (Bảo Thắng) là một trong tám xã của tỉnh đăng ký về đích nông thôn mới trong năm 2018. Đến nay, xã đã đạt 11/19 tiêu chí, với 8 tiêu chí còn chưa đạt (giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất, môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm), ông Thào Văn Sơn, Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch HĐND xã cho biết: “Khó khăn nhất của xã là tiêu chí thu nhập, vậy nên mục tiêu quan trọng để xã có thể về đích đúng hẹn là phát triển kinh tế, tăng thu nhập bình quân đầu người thêm 7 triệu đồng/người/năm để đạt tiêu chí nông thôn mới và nghị quyết của Đảng bộ xã đề ra”.
Xã Bản Cầm hiện có hơn 1.000 hộ dân với 4.419 khẩu. Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2015 là 15 triệu/người/năm, năm 2016 là 18,4 triệu và năm 2017 là 23 triệu. Với tốc độ tăng thu nhập bình quân ở mức 3 – 4 triệu/người/năm thì mục tiêu tăng gấp đôi trong năm 2018 đòi hỏi xã có những giải pháp kinh tế cụ thể.
Tỉ trọng nông nghiệp cao, chiếm tới 75% cơ cấu kinh tế của xã, việc chuyển dịch mạnh sang thương mại - dịch vụ trong vòng một năm là vô cùng khó khăn. Do đó, ngay từ đầu năm 2018, xã đã chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp thông qua việc chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi và áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất. Hai loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất ngay từ đầu năm là cây sả (5ha) và dong riềng (12ha). Theo giá trị ước tính thì mỗi ha sả người dân có thể thu về 90 - 100 triệu/năm và dong riềng là 60 triệu/năm. Cùng với đó là duy trì các vùng trồng lúa (172ha), ngô (180ha), dứa (100ha), chuối (80ha), chè (77ha) và cây vụ đông khoảng 40ha, để có thể nâng giá trị thu nhập bình quân trên đơn vị canh tác lên 70 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, việc chăn nuôi của người dân cũng được khuyến khích mở rộng với các mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi lợn, gà và thủy sản theo hướng công nghiệp. Đối với ngành thương mại - dịch vụ duy trì sản xuất với hơn 90 cơ sở, hộ cá thể kinh doanh đang hoạt động, trong đó chủ yếu là kinh doanh tạp hóa nhỏ, sửa chữa điện tử, máy móc, cơ khí và cung cấp dịch vụ ăn uống để tạo giá trị sản xuất trên 10 tỷ/năm.
Cây dong riềng được hi vọng mang lại giá trị thu nhập 60 triệu/ha.
Ông Sơn cho biết thêm, cùng với việc đưa vào sản xuất các cây trồng, con giống mới xã còn làm cầu nối giúp người dân liên kết với các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh để chủ động đầu ra cho sản phẩm. Khi sản phẩm được bao tiêu và giá thành ổn định, người dân sẽ an tâm sản xuất và thu nhập chắc chắn sẽ tăng cao. “Với những giải pháp được triển khai mạnh mẽ từ đầu năm chúng tôi tin tưởng sẽ cải thiện đời sống của người dân, giảm nghèo bền vững (cuối năm 2018 còn 11% hộ nghèo) và hi vọng thu nhập bình quân đầu người đạt mức 30 triệu đồng/người/năm và về đích nông thôn mới đúng hẹn”, ông nói.