Xã Tả Văn Chư cách trung tâm huyện Bắc Hà khoảng 15 km, nguồn thu nhập của người dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, Tả Văn Chư gặp rất nhiều khó khăn. Qua rà soát, xã mới đạt 3 tiêu chí, trong khi những tiêu chí về cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng có điểm xuất phát rất thấp. Tuy nhiên, nhờ sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, xã Tả Văn Chư từng bước khắc phục khó khăn, khai thác nội lực để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Ông Tráng Ba Điện, Chủ tịch UBND xã cho biết: Từ khi xây dựng nông thôn mới đến nay, chính quyền xã luôn nhận thức được ý nghĩa, vai trò của chương trình và tuyên truyền đến toàn thể nhân dân, cùng với việc huy động tối đa nguồn lực địa phương để chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới. Tận dụng lợi thế có khí hậu, điều kiện thổ nhưỡng, xã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng và khai thác thế mạnh về du lịch.
Được biết, cây mận và lê xanh bản địa được người dân trồng từ lâu, thích hợp với nền nhiệt độ thấp của địa phương, nhưng chỉ sau năm 2010 thì tiềm năng này mới thực sự được khai thác. Từ chủ trương phát triển các giống cây ăn quả địa phương của huyện Bắc Hà, xã Tả Văn Chư đã mở các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân cách chăm sóc cây ăn quả đúng kỹ thuật với sự giúp đỡ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện. Thêm vào đó, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn vay để mở rộng diện tích cây ăn quả. Đến nay, toàn xã có 129 ha cây ăn quả, trong đó chủ yếu là mận Tả Van, mận Tả Hoàng Ly, mận Hậu, phân bố tại các thôn: Lả Dì Thàng, Xà Ván - Sừ Mần Khang, Sín Chải, Tẩn Chư và Tả Văn Chư. Theo Chủ tịch UBND xã Tả Văn Chư, vào thời điểm thu hoạch quả, có hộ thu từ 30 đến 40 kg/cây, giá bán từng thời điểm khác nhau nhưng luôn được giữ ở mức ổn định từ 40.000 đồng đến 50.000 đồng/kg, mang lại giá trị kinh tế cao.
Là hộ trồng mận Tả Van, ông Giàng Seo Phú, thôn Xà Ván - Sừ Mần Khang chia sẻ: Trước đây, nguồn thu của gia đình chủ yếu là từ trồng ngô và lúa, thu nhập thấp dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống hằng ngày. Từ khi trồng mận và lê, gia đình đã có thêm nguồn thu và năm 2018 này tiếp tục trồng thêm 30 gốc mận Tả Van.
Cùng với lợi thế về cây ăn quả, Tả Văn Chư còn có thế mạnh về du lịch, bước đầu được địa phương triển khai thông qua mô hình du lịch cộng đồng. Hiện xã có 4 mô hình homestay. Đến nay, xã đã bê tông được 7,3 km đường trục xã, đạt 57,9%, đây là điều kiện quan trọng hỗ trợ phát triển dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó, động Thiên Long được công nhận là Di tích quốc gia vào năm 2013 đã mở ra những cơ hội để “đánh thức” tiềm năng du lịch. Anh Tráng A Tung - hộ làm homestay ở thôn Tả Văn Chư - cho biết: “Năm 2006, nắm được xu thế phát triển du lịch cộng đồng, gia đình tôi mở mô hình homestay. Thời gian đầu, do giao thông chưa thuận lợi nên ít du khách ghé thăm, có tháng không có khách. Tuy nhiên, sau khi nhiều tuyến đường được tu sửa, mở mới, bê tông hóa, du khách tìm đến ngày càng đông. Hiện trung bình mỗi tháng, homestay đón từ 9 đến 12 lượt khách và đông hơn vào những dịp lễ, tết, cuối năm”. Tuy nhiên, theo đánh giá của chính quyền xã, việc khai thác du lịch mới chỉ manh nha, cần thêm nhiều giải pháp trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND xả Tả Văn Chư, ông Tráng Ba Điện cho biết thêm, hiện xã mới hoàn thành 7/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (quy hoạch, thủy lợi, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, y tế, thông tin và truyền thông, lao động có việc làm, tổ chức sản xuất). Khó khăn lớn nhất đối với xã là việc thực hiện tiêu chí thu nhập; môi trường và an toàn thực phẩm. Xác định chặng đường xây dựng nông thôn mới ở Tả Văn Chư còn dài, trong thời gian tới, chính quyền xã tiếp tục tuyên truyền tới người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ưu tiên phát triển, mở rộng các loại cây trồng chủ lực và thế mạnh; đồng thời, đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp trong việc bao tiêu sản phẩm nhằm ổn định sản xuất, tạo nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống cho người dân.
Tác giả bài viết: Kiều Thu
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn