Còn ông Đặng Tuấn Anh, ở bản Khe Tép, xã Tân Thượng là một trong số các hộ trồng hồng chưa lâu. Chỉ tay về vườn hồng trước mặt, ông nói: Trước năm 1998, toàn bộ khu vực này đều trồng sắn. Dù chăm chỉ làm ăn, nhưng giá sắn không cao lại hại đất, nên gia đình tôi mãi không thoát khỏi diện nghèo. Sau này, khi thấy nhiều hộ thay đổi cuộc sống nhờ trồng hồng, tôi cũng mạnh dạn chuyển đổi và làm theo. Đến nay, gia đình tôi không chỉ thoát nghèo, mà còn vươn lên trở thành hộ khá.
Gia đình ông Đặng Tuấn Anh hiện có 20 gốc hồng đã cho thu hoạch. Từ đầu năm đến nay, gia đình ông trồng thêm 30 gốc hồng. Theo tính toán, mỗi cây hồng từ 10 - 15 năm tuổi sẽ cho thu hoạch khoảng 150 kg quả/cây, những cây to, lâu năm sẽ cho năng suất cao hơn. Trên thị trường, quả hồng có giá dao động từ 7.000 - 10.000 đồng/kg. Từ trồng hồng, số hộ nghèo của xã Tân Thượng giảm, không còn là xã vùng 3, đời sống của người dân có nhiều đổi thay.
Trên địa bàn xã Tân Thượng có 21 ha cây hồng, gồm 15 ha cây hồng bản địa đã cho thu hoạch, 6 ha cây hồng 2 năm tuổi. Trong năm nay, xã có kế hoạch triển khai trồng thêm 10 ha. Anh Phạm Văn Nhất, cán bộ phụ trách khuyến nông xã cho biết: Cách trồng hồng không khó, rễ cây sau khi đã cắt từ 20 - 25 cm, trồng xuống đất khoảng 12 tháng, thì cây con mọc lên, sau đó có thể đem trồng, trồng cách 8 - 10 m/cây. Khi cây chưa lớn, ở những năm đầu có thể trồng xen cây họ đậu. Cây hồng phù hơp với đất thịt nhẹ, sau 5 năm sẽ cho thu hoạch, thường vào tháng 8 hằng năm.
Ông Trần Anh Việt, Chủ tịch UBND xã Tân Thượng cho biết: Trồng hồng bản địa là giải pháp thiết thực đối với người dân xã Tân Thượng. Hiện, xã đang nhân giống thí điểm ở một số thôn, như Khe Tùng 2, Bản Mai, Khe Tép, Ù Sóc, với mong muốn tăng diện tích trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định đời sống người dân.
Nguồn tin: Báo Lào Cai
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn