Theo ông Sách, mô hình chăn nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học gắn với vệ sinh môi trường nông thôn khá dễ làm và phù hợp tập quán sản xuất ở vùng cao. Ông Sách là 1 trong số 13 hộ ở thôn Bản Là 2 nuôi lợn đen trên nền đệm lót sinh học. Cùng với Bản Là 2 còn có 13 hộ ở thôn Bản 2B, xã Xuân Thượng nuôi theo phương pháp này. Ban đầu, khi triển khai mô hình, nhiều gia đình loay hoay làm vì chưa quen, nhưng nhờ sự giúp đỡ của cán bộ khuyến nông nên các hộ đã thực hiện thành công. Sau một thời gian, ông Sách cùng các hộ tham gia đã làm chủ được kỹ thuật, có thể tự thực hiện mở rộng chuồng trại và sử dụng đệm lót một cách hiệu quả.
Được biết, đây là dự án do Trung tâm Khuyến nông Lào Cai triển khai với quy mô 240 con/60 hộ tham gia ở 3 huyện: Sa Pa, Bảo Yên và Bát Xát. Riêng ở xã Xuân Thượng, dù mới triển khai được 8 tháng, nhưng đã đạt được nhiều kết quả. Đàn lợn bản địa sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống trên 98%, trọng lượng bình quân trên 62 kg/con, với giá bán 50.000 đồng/kg đã giúp người dân có nguồn thu ổn định. Đặc biệt, lượng chất thải hằng ngày trong chăn nuôi được lên men phân hủy trong đệm lót, vì vậy không có mùi hôi, giảm ô nhiễm môi trường và có thể nuôi được ở khu đông dân cư. Ông Dương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thượng cho biết: Mô hình chăn nuôi lợn bản địa trên đệm lót sinh học rất hiệu quả và nhận được sự đánh giá, đồng thuận cao của các hộ chăn nuôi. Kỹ thuật chăn nuôi này phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp chăn nuôi hiệu quả và tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp, không gây ô nhiễm. Giá lợn đen trên thị trường ổn định giúp người dân phấn khởi, yên tâm chăn nuôi.
Có thể nói, mô hình chăn nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học gắn với vệ sinh môi trường nông thôn đã bước đầu thay đổi nhận thức của người dân trên địa bàn xã Xuân Thượng, tạo thu nhập ổn định, tăng hiệu quả trong chăn nuôi, góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới.
Nguồn tin: Báo Lào Cai
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn