Phát triển đàn lợn đen – mũi nhọn đột phá giảm nghèo
Lợn đen Mường Khương
Huyện Mường Khương nổi tiếng với một số đặc sản nông nghiệp như gạo Shéng cù, tương ớt, lợn đen…Những sản nông nghiệp này đã và đang đem lại nguồn thu nhập lớn cho nông dân Mường Khương.
Anh Làn Mậu Thành ở Thôn Sả Hồ, thị trấn Mường Khương và anh Vàng Văn Hùng, thôn Phẳng Tao, xã Bản Sen là hai trong số hàng trăm hộ nuôi lợn đen kết hợp với trồng quýt, dứa và chè thoát nghèo sớm ở Mường Khương. Anh Làn Mậu Thành cho biết, từ hơn chục năm nay, trong chuồng của gia đình luôn có tới 20 con lợn thịt, 4 lợn nái, mỗi năm mang lại thu nhập bình quân 100 triệu đồng. Do là giống lợn bản địa dễ thích nghi, sức đề kháng dịch bệnh tốt, chúng chỉ ăn những thức ăn như cây chuối, cây khoai, rau muống, rau lang trộn với cám gạo nấu chín nên chi phí chăn nuôi không đáng kể mà chất lượng thịt lại thơm ngon, được khách hàng ưa chuộng.
Để phát triển đàn lợn đen bản địa thành mũi nhọn, tạo sản phẩm có thương hiệu mạnh, huyện Mường Khương đã lồng ghép nguồn vốn 30a để hỗ trợ lợn cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn. Toàn huyện Mường Khương hiện có hơn 25.000 con lợn thịt, chiếm gần 20% tổng đàn lợn toàn tỉnh, trong đó lợn đen chiếm trên 60%, mỗi năm huyện này cung cấp ra thị trường khoảng 2.000 tấn thịt lợn đen thương phẩm ra thị trường trong tỉnh và trong nước. Nhờ nuôi lợn đen, nhiều hộ đã có mức thu nhập từ 40 đến 50 triệu đồng/năm.
An toàn dịch bệnh
Là địa phương có chung đường biên giới dài nhất tiếp giáp với tỉnh Vân Nam Trung Quốc, ngay khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở một số địa phương của của nước bạn, được sự chỉ đạo kịp thời và quyết liệt của lãnh đạo tỉnh và Sở Nông nghiệp, Mường Khương đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức triển khai và tham gia diễn tập thực hành “Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi” do tỉnh Lào Cai phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức.
Theo đó, nhiều biện pháp mang tính khẩn cấp và cơ bản đã được áp dụng như: tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ bên kia biên giới nhập cảnh vào Việt Nam, không để lợn và các sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc từ địa phương khác xâm nhập vào địa bàn tỉnh Lào Cai. Song song với đó là vận động bà con, nhất là các hộ chăn nuôi vệ sinh chuồng trại thường xuyên, phun thuốc tiêu độc khử trùng đúng quy cách; cho ăn các thức ăn rõ nguồn gốc, nấu chín, đảm bảo đủ dinh dưỡng…
Nhờ làm tốt công tác phòng dịch mà đàn gia súc nói chung và đàn lợn đen của Mường Khương nhiều năm nay ít bị dịch bệnh. Ngay như dịch lở mồm long móng và cả dịch tả lợn châu Phi gần đây cũng không xuất hiện ở địa phương vùng cao này mặc dù đây là địa bàn giáp ranh có nguy cơ cao về lây truyền dịch bệnh. Là địa bàn an toàn dịch bệnh nên con số tăng đàn, nhất là đàn lợn đen ở Mường Khương luôn đảm bảo bình quân 15% /năm.
Tuy tốc độ tăng trọng chậm so với giống lợn lai khác ( khoảng 7 đến 8 tháng trở lên mới đủ điều kiện xuất chuồng), nhưng bù lại, thịt lợn đen Mường Khương thơm ngon, sạch bệnh nên giá bán gần gấp đôi giá lợn thường, người chăn nuôi vẫn lãi.
Tiếp tục nhân rộng giống lợn đen
Tại vùng cao ít có giống lợn nào khác có thể thay thế được giống lợn Mường Khương. Tuy nhiên trước đây do tập quán chăn nuôi của nhân dân địa phương còn hạn chế, chưa biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nuôi giữ giống lợn Mường Khương, do đó nguồn giống lợn bản địa này không đủ cung ứng cho các địa phương phát triển chăn nuôi.
Để giữ vững, phát triển giống lợn quý hiếm này, từ năm 2008, huyện Mường Khương đã cùng các cơ quan chức năng phối hợp tổ chức thực hiện đề tài nghiên cứu chọn lọc nâng cao chất lượng phục tráng và phát triển giống lợn Mường Khương. Đề tài được áp dụng thực hiện tại hai xã Nấm Lư và Bản Xen (nơi có số đông đồng bào dân tộc sinh sống và cũng là những địa phương có phong trào chăn nuôi phát triển).
Từ năm 2015 đến nay, huyện Mường Khương đã hỗ trợ con giống cho hơn 500 hộ dân tại các xã vùng cao đặc biệt khó khăn. Từ hai xã điểm là Nấm Lư và Bản Xen, đến nay, huyện Mường Khương đã triển khai có hiệu quả chương trình dự án hỗ trợ cho nhiều mô hình chăn nuôi, điển hình như ở các xã: Thanh Bình, Bản Lầu, Cao Sơn, La Pán Tẩn,…tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng vạn lao động nông thôn.
Thời gian tới, huyện Mường Khương tiếp tục đẩy mạnh chăn nuôi lợn đen bản địa theo hướng hàng hóa, từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thịt lợn đen Mường Khương, nhằm tạo uy tín, đảm bảo an toàn thực phẩm, mang lại sự yên tâm cho người tiêu dùng.
Hiện tại, cùng với đặc sản gạo Shéng cù, tương ớt Mường Khương thơm ngon nổi tiếng thì thịt lợn đen đã và đang được địa phương này phát triển theo hướng cây con chủ lực có thương hiệu, thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) góp phần phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới một cách vững chắc.