“Ở thôn Hà Tiên (xã vùng cao Cốc Lầu) có tới 12 hộ gia đình làm nghề ươm cây giống, nhưng Mô hình của vợ chồng anh Chinh- chị Huân là “triển vọng” nhất, bởi đây là cơ sở có quy mô sản xuất lớn và chất lượng giống cây lâm nghiệp tương đối đảm bảo, mỗi năm từ mô hình này đã mang về cho gia đình nguồn thu ổn định, từ 300- 350 triệu đồng…”
Ông Lùng Văn Tuấn- Cán bộ phụ trách nông lâm nghiệp xã Cốc Lầu, mở đầu câu chuyện và dẫn lối đưa chúng tôi đến thăm quan, thực tế mô hình. Dù đã nghe kể từ trước nhưng vẫn không khỏi ngạc nhiên trước những vườn ươm rộng rãi, được che chắn cẩn thận và san sát các bầu giống đang nảy mầm xanh. Tại một khu vườn khác rộng chừng 400m2 cạnh nhà, các cây quế giống đã đến tuổi xuất bán. Anh Chinh cho biết: “Do đang phải chuẩn bị 3 vạn cây giống giao cho khách vào chiều tối nay, nên cả gia đình bận bịu từ sáng sớm đến giờ.”
Anh Chinh (áo xanh, đội mũ) dẫn nhóm phóng viên đi thăm quan các khu vườn ươm của gia đình.
Anh Trần Xuân Chinh (sinh năm 1981), còn vợ- chị Trần Thị Huân (sinh năm 1983), đã bén duyên với nghề trồng quế rồi ươm giống cây quế từ những năm 2014, sau bao thăng trầm, vất vả mưu sinh. Anh chia sẻ: Trước đây hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, phải gửi con nhờ ông bà nội chăm sóc, hai vợ chồng kéo nhau vào Nam làm ăn, hơn 10 năm xa quê hương mà cuộc sống vẫn không khá lên được. Mẹ anh- (bác Trần Thị Mát) trước đây từng làm công nhân trồng rừng nên đã có một số kinh nghiệm nhất định về ươm giống, bác Mát cũng đang ươm giống cây lâm nghiệp để bán nhưng số lượng chưa lớn. Sau khi về quê, vợ chồng anh Chinh tiếp tục “kế nghiệp” và đến nay đã hơn 6 năm gắn bó, cuộc sống của gia đình cũng khấm khá dần lên nhờ nghề ươm cây giống lâm nghiệp cung cấp cho các chủ rừng trong và ngoài tỉnh.
Chị Huân đang gom cây giống chuẩn bị giao cho khách.
Mô hình “điểm”
Từ nhiều năm nay, phong trào trồng quế ở Bắc Hà nói riêng và các huyện lân cận phát triển mạnh, bởi vậy nhu cầu tiêu thụ giống cây lâm nghiệp cũng ngày càng cao. Nắm bắt thời cơ đó, vợ chồng anh Chinh mạnh rạn vay thêm vốn ngân hàng để mở rộng quy mô sản xuất, mở thêm một số vườn ươm mới. Đến nay, anh Chinh có 4 vườn ươm với tổng diện tích trên 2500m2 và đã ươm trên 60 vạn bầu giống, chủ yếu là Quế và Mỡ, nhiều hơn năm trước hơn 20 vạn bầu. Anh cho biết: Năm 2019, gia đình bán ra thị trường gần 40 vạn cây quế giống, mang về nguồn thu trên 300 triệu đồng, và chắc chắn năm 2020 này, nguồn thu sẽ tăng lên nhờ diện tích, quy mô các khu vườn ươm đã được mở rộng.
Để nâng cao chất lượng cây giống lâm nghiệp, Anh chị còn tích cực tự học hỏi và tham gia các lớp tập huấn để có kiến thức áp dụng vào thực tế. Anh cho biết khi thực hiện mô hình, cán bộ địa phương và kiểm lâm địa bàn đã giúp đỡ gia đình rất nhiều, nhất là về kĩ thuật ươm giống đảm bảo tỷ lệ nảy mầm cao nhất. Về hạt giống, gia đình đặt mua tại xã Nậm Đét (vùng chuyên canh cây quế số 1 của huyện), vào đúng thời điểm đầu mùa thu hoạch quế hữu cơ.. nên các hạt giống đều to, mẩy, có tỷ lệ nảy mầm cao.
Ông Lùng Văn Tuấn- Cán bộ phụ trách NLN xã Cốc Lầu cho biết: Toàn xã Cốc Lầu hiện có 12 hộ làm nghề gieo ươm quế giống, chủ yếu ở thôn Hà Tiên. Tổng diện tích vườn ươm của các gia đình này khoảng 1,5 ha, trong đó cơ sở gieo ươm của gia đình anh Chinh là triển vọng nhất . 2 năm trước, là địa chỉ cung cấp cây giống chủ yếu cho dự án trồng rừng có sự hỗ trợ của nhà nước trên địa bàn xã Cốc Lầu, giúp xã giải quyết nguồn cây giống tại chỗ phục vụ kế hoạch trồng rừng các năm 2017, 2018. Mô hình phát triển kinh tế hộ, vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ gieo ươm giống quế của gia đình trẻ Trần xuân Chinh- Trần Thị Huân đang được xã Cốc Lầu chọn làm “điểm” để tuổi trẻ các dân tộc trong xã cùng học tập, chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng… để làm giàu cho bản thân, gia đình, giúp địa phương làm tốt công tác phát triển vốn rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.. và để thanh niên thêm gắn bó với đồng đất quê hương hơn./.