Cốc Sâm 3 là thôn đặc biệt khó khăn của xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng. Những năm trước đây, bà con vẫn chưa tìm được hướng thoát nghèo bền vững do đất đai cằn cỗi, dẫn đến nhiều lao động vượt biên đi làm thuê trái phép. Khi đó, chàng trai trẻ người Phù Lá Sẩn Xuân Trung (Chủ nhiệm HTX Minh Ngọc, xã Phong Niên) phát hiện một nghịch lý diễn ra bao năm nay tại quê hương, đó là người thôn mình có nhiều đất thì lại đi làm thuê bên nước bạn. Người nước bạn lại muốn sang nước mình thuê đất trồng cây. Trăn trở với thực trạng hệ số sử dụng đất đai ở quê hương lãng phí, kém hiệu quả, Sẩn Xuân Trung sau nhiều năm tìm hiểu các giống cây trồng phù hợp thổ nhưỡng bản địa đã quyết tâm đưa giống sả đỏ (loại sả chuyên lấy lá để chưng cất tinh dầu) về trồng thử nghiệm trên đất đồi nhà mình.
Nhận thấy những ưu điểm vượt trội và lợi ích kinh tế của giống cây trồng dược liệu này so với các loại cây trồng truyền thống, giữa năm 2018, HTX Minh Ngọc do anh làm chủ nhiệm bắt đầu mở rộng diện tích trồng sả lên 25ha. Cuối năm 2018 HTX của anh thu hoạch lứa lá đầu tiên. Lá sả sau khi thu hái được chưng cất thành tinh dầu thô để bán cho đối tác theo hợp đồng đã ký kết, chủ yếu là các Công ty dược phẩm Hà Nội và Thái Nguyên.
Anh cho biết, trung bình cứ 1 tấn lá sả Java sẽ chưng cất được 20 lít tinh dầu. "Cây sả phù hợp với các địa hình, không kén đất, lại mang lại giá trị kinh tế gấp nhiều lần so với cây trồng khác, hiện tại doanh nghiệp bao tiêu đầu ra cho bà con và theo như thị trường tiêu thụ tinh dầu sả thời gian này thì cung luôn không đủ cầu. Do đó, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ mở rộng diện tích và mong muốn bà con cùng làm, cũng phát triển kinh tế, hạn chế tình trạng đất bỏ hoang".
Theo nhận xét chung của những người đã tham gia trồng sả thì đây là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, giá trị kinh tế lại cao gấp từ 3 - 4 lần so với trồng ngô, trồng sắn, đó là ưu điểm nổi trội của cây sả đỏ (sả Java) đang được trồng tại các xã vùng cao, biên giới của tỉnh Lào Cai nhằm thay thế cho các loại cây trồng kém hiệu quả trên vùng đất dốc, đất cằn. Loại cây trồng này đang được kỳ vọng mở ra hướng thoát nghèo mới bền vững cho nông dân tỉnh Lào Cai, từng bước góp phần xây dựng thành công nông thôn mới tại địa phương.
Từ khi cây sả Java được đưa về trồng, không ít hộ dân đã quyết tâm cải tạo ruộng đất để trồng sả, với hi vọng thoát nghèo bền vững ngay trên chính mảnh đất của mình. So với các loại cây trồng truyền thống khác ở địa phương thì cây sả Java tốn ít công chăm sóc hơn và phù hợp với đất đồi cằn. Cây Sả có ưu điểm chỉ trồng một lần nhưng cho thu hoạch liên tục 5 đến 6 năm liền, mỗi năm cho thu hoạch (cắt lá) 5-6 lần, giá bán lá sả tươi là 2.000 đồng/1kg và 450-500 nghìn đồng/1lít tinh dầu Sả. Mỗi ha sả cho năng suất bình quân khoảng 30 tấn lá mỗi năm, chưng cất ra khoảng 500 - 600 lít tinh dầu, giá trị thu về gần 300 triệu/năm. Từ những thành công bước đầu, hiện HTX Minh Ngọc đang vận động, liên kết với các hộ dân để phát triển diện tích trồng cây sả, cam kết đảm bảo đầu ra cho bà con.
Không chỉ ở Phong Niên, tại huyện Bảo Thắng, mô hình trồng sả lấy tinh dầu đã được nhân rộng tại các xã Phong Hải, Trì Quang... mở ra triển vọng phát triển kinh tế mới, góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nông dân địa phương. Tương tự, tại huyện Bát Xát, một số xã tại địa phương cũng đã đưa mô hình trồng sả trên đồi dốc bạc màu và thu được hiệu quả cao. Điển hình như xã Cốc Mỳ đã chuyển đổi trên 10 ha đất nương trồng cây Sắn tại các thôn Minh Trang, Minh Tân, Ná Lùng và Tân Hào sang trồng cây Sả Java lấy tinh dầu. Trong thời gian tới, xã có kế hoạch mở rộng diện tích trồng Sả lên tới 22-25 ha ở các thôn trên địa bàn toàn xã nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác, tạo công ăn việc làm cho người nông dân
Với sả đỏ - cây trồng mới đang được nông dân Lào Cai nhiệt tình đón nhận, bài toán chuyển đổi cây trồng trên đất dốc kém hiệu quả của Lào Cai đang dần được giải mã. Đây được coi như một bước đột phá góp phần mở ra nhiều hướng đi mới cho phát triển nông nghiệp bền vững và tạo đà xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.