Ông Hoàng Trên Đồn, Chủ tịch UBND xã Lương Sơn cho biết: Chúng tôi xác định xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu không có điểm kết thúc và phải hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội toàn diện. Trong đó trọng tâm là nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân. Xã Lương Sơn đã ban hành các Nghị quyết chuyên đề, kế hoạch năm về duy trì và nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới. Chỉ đạo các chi bộ xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2025 thu nhập của người dân sẽ đạt trên 85 triệu đồng/người/năm (tăng gấp đôi so với năm 2020).
Mô hình nuôi hươu tại thôn Lương Hải
Đây là chỉ tiêu cao và khó nhưng xã Lương Sơn hoàn toàn tin tưởng vào khả năng của địa phương hoàn thành trên cơ sở đánh giá đúng thực lực, phát huy tốt tiềm năng của địa phương. Theo đó, phát huy lợi thế về đất lâm nghiệp, xã vận động nhân dân phát triển mạnh trồng rừng sản xuất. Hiện toàn xã có 750 ha rừng sản xuất, chủ yếu là cây quế, giá trị đạt trên 150 triệu đồng/ha/năm. Cùng với đó là phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình gia trại, trang trại. Hiện xã luôn duy trì đàn trâu thương phẩm trên 500 con, tổng đàn lợn hơn 2.000 con, đàn gia cầm 15.000 con. Diện tích nuôi thủy sản thâm canh 20 ha, trong đó có 10 ha nuôi cá bỗng, loài cá đặc sản được thị trường ưa chuộng, giá bán hơn 300 nghìn đồng/kg. Duy trì diện tích cánh đồng một giống lúa séng cù 20 ha, giá trị thu nhập đạt trên 100 triệu đồng/ha/vụ.
Cùng với đó, chính quyền xã đã nghiên cứu, vận động nhân dân đưa những loại cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Điển hình như mô hình trồng cam V2 với diện tích hơn 10 ha, cây chè chất lượng cao diện tích hơn 200 ha, diện tích dâu tằm 12 ha. Đưa một số giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất như mô hình nuôi hươu lấy nhung, nuôi đà điểu. Để người dân có vốn mạnh dạn đầu tư sản xuất xã tích cực phối hợp với các tổ chức tín dụng trong huyện tạo điều kiện để nhân dân vay vốn, hiện tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn là gần 60 tỷ đồng, với trên 1.000 lượt hộ được vay vốn.
Từ những giải pháp trên, đến nay thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 41,3 triệu đồng/người/năm, tăng 23,8 triệu so với năm 2015. Giá trị sản phẩm/1ha canh tác đạt 75,8 triệu đồng, tăng 23,5 triệu đồng so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 11,51% (năm 2015) xuống còn 3,07%. Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt trên 85 triệu đồng/người/năm vào năm 2025.