Cách đây 7 năm, gia đình chị Lò Thị Bình thôn Vĩ Kẽm, xã Cốc Mỳ quyết định chuyển đổi đất trồng ngô, trồng sắn sang trồng chuối. Những năm đó, chuối được giá, lại có doanh nghiệp hỗ trợ giống, hướng dẫn trồng rồi thu mua nên chị Bình rất yên tâm. Trên diện tích hơn 1ha, chị Bình trồng 2.000 gốc chuối, trừ chi phí đầu tư, mỗi năm gia đình chị thu về hơn 100 triệu đồng. Chị Bình chia sẻ: “Cứ khoảng 1.000 gốc thì trung bình thu về được 60 - 70 triệu đồng. Nếu so với trồng ngô thì cao hơn rất nhiều, bởi cùng một diện tích đó, trồng ngô chỉ mang về khoảng hơn 10 triệu đồng”.
Nông dân xã Cốc Mỳ nhận cây chuối giống được đầu tư từ doanh nghiệp.
Với lợi ích kinh tế dễ trông thấy, đều đặn mỗi vụ chuối qua đi, chị Bình lại đến vườn ươm giống của doanh nghiệp, nhận giống về trồng. Gia đình chỉ cần có đất, bỏ công chăm sóc theo đúng hướng dẫn, đến khi chuối được thu hoạch doanh nghiệp sẽ đến thu mua để xuất bán sang Trung Quốc. Sau khi trừ toàn bộ chi phí, lợi nhuận từ chuối sẽ được chia đôi. Với cách làm này, dù có lãi hay những năm giá chuối thấp, bị thua lỗ, chị Bình cũng thấy rất yên tâm vì có doanh nghiệp đồng hành. Nếu không có doanh nghiệp thu mua, sản phẩm chuối sẽ không có nhãn mác, không truy xuất được nguồn gốc nên không thể xuất khẩu chính ngạch.
Tương tự như gia đình chị Bình, 270 hộ dân thuộc 2 xã Trịnh Tường và Cốc Mỳ đang tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ với Công ty TNHH Hoàng Bằng (tiền thân là Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Bằng). Mối liên kết này được thực hiện từ những năm 2011 với cách làm doanh nghiệp đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, người dân góp đất canh tác và công lao động. Đến thời điểm xuất bán, giá thành thu mua phía nước bạn được thông báo công khai cho người trồng chuối, doanh nghiệp lo toàn bộ thủ tục, giao dịch với đối tác.
Hiện nay, vùng chuối doanh nghiệp đang liên kết với người dân 2 xã Trịnh Tường và Cốc Mỳ là 370 ha. Chuối được hướng dẫn kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, được cấp mã số vùng trồng, có tem truy xuất nguồn gốc, đảm bảo tiêu chuẩn để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường nước ngoài. Những năm qua, việc sản xuất và tiêu thụ chuối tương đối thuận lợi. Doanh nghiệp và người dân cùng chia sẻ lợi nhuận cũng như rủi ro nên mối liên kết được duy trì bền chặt.
Ông Hoàng A Sìn, nguyên Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Bằng, hiện giữ vai trò cố vấn cho Công ty TNHH Hoàng Bằng chia sẻ: Kinh nghiệm sản xuất này tôi học từ phía Trung Quốc sau nhiều năm làm thuê bên nước bạn. Trước đây, người dân khu vực dọc biên giới như Cốc Mỳ, Trịnh Tường thường sang nước bạn làm thuê giống tôi, cũng đi trồng chuối thuê rồi nhận công nhật. Sang nước bạn lao động vô cùng vất vả trong khi ở quê hương cũng có đất, có điều kiện để trồng chuối. Bởi vậy, khi doanh nghiệp bắt đầu xây dựng vùng nguyên liệu chuối tại Bát Xát, nhiều người dân địa phương đã không phải sang Trung Quốc làm thuê nữa. Chuỗi liên kết sản xuất chuối hiện nay tạo việc làm thường xuyên cho ít nhất 500 lao động địa phương với thu nhập tương đối cao. “Cách làm của chúng tôi là có lãi cùng hưởng, bị lỗ thì cùng chịu nên người dân và doanh nghiệp đều tin tưởng, thân thiết với nhau. Ví dụ như năm 2016, giá chuối thấp kỉ lục, chỉ riêng doanh nghiệp đã chịu lỗ đến 7 tỷ đồng. Thế nhưng, do có sự chia sẻ rủi ro, tạo sự tin tưởng trong nhân dân nên những năm sau, người dân vẫn đặt niềm tin, duy trì liên kết với doanh nghiệp” – ông Sìn cho biết thêm.
Có thể nói, tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, nhiều hộ dân tại Trịnh Tường, Cốc Mỳ đã ổn định thu nhập, có việc làm, thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương, góp phần không nhỏ trong việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại 2 địa phương này.