Cũng giống như bao gia đình khác ở vùng quê thuần nông, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng,Thành phố Hà Nội những năm trước đây, hộ gia đình anh chị Nguyễn Đăng Quý và Đặng Thị Cuối có xuất phát điểm kinh tế rất thấp, nghề sản xuất chính là sản suất nông nghiệp với cây lúa đóng vai trò chủ đạo, cùng với một số cây hoa màu khác như ngô, khoai, trồng thêm ít rau màu.. . năng suất cây trồng thấp nên đời sống của gia đình anh chị gặp rất nhiều khó khăn. Cần cù, lam lũ quanh năm mà cái đói, cái nghèo đeo đẳng mãi không dứt.
Cũng xuất phát từ cái vòng luẩn quẩn đói nghèo, chị Cuối quyết định tham gia xuất khẩu lao động. Danh nghĩa đi xuất khẩu lao động nhưng thực chất là đi làm thuê cho trang trại nông nghiệp tại Đài Loan, chỉ khác là tại đây họ trồng rau ứng dụng CNC theo một chu trình khép kín từ sản xuất đến siêu thị và bếp ăn. 10 năm đi làm thuê, tích lũy được chút vốn, Chị quyết định trở về quê bàn với chồng đầu tư sản xuất với những kinh nghiệm và quy trình kỹ thuật đã học được. Chồng chị chưa tin, sợ rủi ro mất hết vốn liếng nên không đồng ý. Chồng không nghe, Chị thuyết phục anh cùng chị sang Đài Loan làm thuê thêm 6 năm nữa và rồi Anh tin Chị.
Năm 2017, với diện tích 3 ha đất bãi vừa của nhà, vừa thuê thêm của bà con xung quanh (thuê của 52 hộ với giá 800 ngàn đồng/sào/năm), Anh Chị quyết định đầu tư hơn 2 tỷ đồng để xây dựng hệ thống nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới. Cấu trúc nhà màng đơn giản, dễ lắp ráp, không cần làm móng, thanh treo tùy chọn phù hợp theo diện tích, hệ thống thông gió bên hông, nước tưới tự động qua hệ thống lọc. Đặc biệt, với hệ thống 10 nhà màng, diện tích 100m2/nhà, sử dụng phân hữu cơ, không lên luống, xử lý nấm bệnh bằng máy đốt dùng khí ga, gieo hạt bằng máy từ trong ra ngoài, gieo xong đóng cửa, tưới giữ ẩm bằng pép phun sương chờ ngày thu hoạch. Với các loại rau ăn lá như rau cải, xà lách, rau dền, rau muống …, từ 15 đến 18 ngày sau gieo hạt là được thu hoạch, năng xuất bình quân 500 kg/nhà màng 100m2/lứa, giá bán 20.000 đồng/kg, một nhà màng sản xuất được trên 10 lứa rau/năm, đây là mô hình có thu nhập rất cao và ổn định.
Ngoài hệ thống nhà màng, phần diện tích còn lại gia đình anh chị trồng măng tây xanh 2,5 ha, súp lơ lấy ngồng 2 ha, trồng ngô lấy quả non và ngọn 2 mẫu, trồng ổn Đài Loan hơn một mẫu, diện tích này dùng màng phủ lynon, hệ thống tưới nhỏ giọt cho sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm an toàn với sức khỏe người tiêu dùng. Toàn bộ sản phẩm rau được các bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, trường học hợp đồng tiêu thụ ổn định. Với sản lượng 3 tạ rau/ngày của Hợp tác xã sản xuất rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao, trung bình mỗi tháng cũng cho thu nhập trên 120 triệu đồng, giá trị bình quân/ha canh tác đạt gần 6,7 tỷ đồng/1ha, mô hình mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Chị Đặng Thị Cuối chia sẻ, với việc đầu tư hệ thống nhà màng có kết cấu đơn giản, không sử dụng bất kỳ mối hàn nào, không xây móng, dễ lắp đặt, tháo dỡ, mức đầu tư trên 40 triệu đồng/nhà và khoảng 150 triệu đồng/sào anh chị đã mua vật tư về tự thi công. Với quy trình gieo hạt từ trong ra ngoài, đóng cửa chờ thu hoạch và thu hoạch một lần từ ngoài vào trong, với việc có bẫy côn trùng ở 4 góc mái nhà màng, không tốn công chăm sóc, rau lại đảm bảo an toàn. Thời điểm hiện tại với quy mô sản xuất trên 5 ha rau các loại, thời điểm cao điểm anh chị thuê 13-15 lao động với mức thu nhập từ 4-6 triệu/người/tháng đều là người địa phương đã cho anh chị thuê đất. Ngoài ra chị Cuối cũng sãn sàng chia sẻ, hỗ trợ bà con khu vực lân cận muốn áp dụng quy trình canh tác của HTX để phát triển sản xuất. Mô hình này rất phù hợp ngay cả ở quy mô đầu tư hộ gia đình có diện tích đất không lớn. Chúng tôi đặt vấn đề, đề nghị được hỗ trợ tư vấn kỹ thuật để có thể thực hiện mô hình tại Lào Cai, chị vui vẻ nói nếu cử người về học tập tại HTX thì sẽ được hướng dẫn cụ thể là tốt nhất hoặc không anh chị cũng sẵn sàng lên hướng dẫn nếu bà con ở Lào Cai có quyết tâm học cách làm.
Chị Đặng Thị Cuối giới thiệu cách nhân giống hẹ
Theo chia sẻ của chị Đặng Thị Cuối, việc áp dụng mô hình sản xuất rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao tuy lúc đầu vốn đầu tư khá lớn nhưng về lâu dài mang lại nhiều lợi ích. Vì chỉ cần đầu tư một lần nhưng tránh được tác hại của thời tiết và không phải sử dụng thuốc hóa học trong quá trình canh tác do được trồng trong hệ thống nhà lưới,nhà màng tránh được sâu bệnh gây hại, giảm chi phí. Mô hình có đầu tư đơn giản nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, dễ áp dụng và hoàn toàn có thể nhân rộng ra trên địa bàn và các tỉnh khác.
Với sự nhạy bén, linh hoạt, dám nghĩ, dám làm và sự quyết tâm, mạnh dạn trong đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, anh chị đã thành công trên con đường ước mơ áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đã dần hình thành nên những người nông dân hiểu biết, hiện đại và nhờ đó đã mang lại những sản phẩm nông nghiệp an toàn, người bạn tin tưởng cho người tiêu dùng và mang lại giá trị kinh tế cao cho gia đình và cũng như tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân.