Kinh tế phát triển, các mặt giáo dục, y tế, giảm nghèo, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường cũng được quan tâm và có bước phát triển vững chắc. Theo đánh giá của huyện Bảo Thắng, chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới ở Phú Nhuận đã được nâng cao, đặc biệt là những tiêu chí cần sự vào cuộc của nhân dân, như nhà ở dân cư, hộ nghèo, môi trường và an toàn thực phẩm, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, quốc phòng, an ninh.
Đến xã vùng cao Mường Vi (Bát Xát), chúng tôi thấy ngày càng nhiều ngôi nhà được xây dựng kiên cố, những tuyến đường liên xã, liên thôn, ngõ xóm được đổ bê tông xi măng; đặc biệt, người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thi đua lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa... Mường Vi hôm nay đã thực sự “thay da, đổi thịt” nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới.
Trao đổi với chúng tôi, ông Làng Văn Hản, Bí thư Đảng ủy xã Mường Vi cho biết: Khi bắt tay vào triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Mường Vi còn gặp nhiều khó khăn do hệ thống hạ tầng xuống cấp, nhân dân chủ yếu làm nông nghiệp, nên xuất phát điểm kinh tế thấp, trình độ dân trí không đồng đều. Tuy nhiên, nhờ đánh giá đúng tiềm năng, thế mạnh và xây dựng các nghị quyết, kế hoạch cụ thể, phù hợp với từng giai đoạn để thực hiện các tiêu chí, chương trình nông thôn mới ở vùng cao nơi đây ngày càng đạt nhiều kết quả.
Theo đó, xã thực hiện lồng ghép các nguồn lực đầu tư của Nhà nước và huy động sự đóng góp của nhân dân để xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng dân sinh, như trường học, điện, đường giao thông, thủy lợi, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa. Đồng thời, địa phương cũng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa, với việc duy trì hơn 120 ha lúa Séng cù 2 vụ; mở rộng diện tích cây dược liệu; chăn nuôi gia súc và nghề nấu rượu truyền thống. Theo thống kê, hiện thu nhập bình quân của xã đạt 24,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở mức 11,5%, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động có việc làm đạt 99%... Đến nay, xã Mường Vi đã hoàn thành 16/19 tiêu chí, Đảng bộ và nhân dân trong xã đang nỗ lực, gấp rút hoàn thiện 3 tiêu chí chưa hoàn thành là thu nhập, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, phấn đấu về đích nông thôn mới cuối năm 2017.
Không riêng các xã đã hoàn thành và đang trên đường “cán đích” nông thôn mới, tại các xã đang nằm trong lộ trình, công cuộc xây dựng nông thôn mới đã thổi “luồng sinh khí” cho cả chính quyền và người dân, với nhiều công trình hạ tầng được đầu tư xây mới, giao thông nông thôn ngày càng được cải thiện, đời sống người dân ngày càng thay đổi.
Theo tổng hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, đến hết năm 2016, toàn tỉnh có 28/143 xã hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới; số tiêu chí đạt bình quân/xã của toàn tỉnh là 10,7 tiêu chí, tăng 7,4 tiêu chí so với năm 2010; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 15 triệu đồng, tăng 7,56 triệu đồng so với năm 2010. Năm 2017, trong số 8 xã của tỉnh dự kiến đạt chuẩn nông thôn mới thì 7 xã có khả năng hoàn thành theo đúng kế hoạch. Xã Phong Niên (Bảo Thắng) khó có khả năng hoàn thành, vì hiện vẫn còn 8 tiêu chí chưa đạt chuẩn, trong khi thu nhập mới đạt 20 triệu đồng/người/năm (năm 2017 theo quy định là 26 triệu đồng/người/năm).
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh đánh giá, với sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực của các địa phương và phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới đã mang lại bức tranh giàu đẹp cho vùng nông thôn. Đặc biệt, hệ thống giao thông, thủy lợi và nhiều mô hình sản xuất được đầu tư, phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, nhiều công trình trường học, trạm y tế, điện, nhà văn hóa và phúc lợi công cộng được đầu tư đã góp phần làm cho đời sống của người dân vùng nông thôn khởi sắc. Qua đó, tạo được sự đồng thuận của người dân trong việc chung tay xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
Nguồn tin: Báo Lào Cai
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn