Con đường trải nhựa kéo dài từ Trung tâm huyện Mường Khương lên đến tận xã Cao Sơn lúc nào cũng tấp nập xe cộ đi lại. Những chiếc xe ba gác, xe thồ chở nông sản từ các thôn, bản trên địa bàn Cao Sơn tấp nập nối đuôi nhau xuống chợ huyện. Từ khi có đường mới, người dân Cao Sơn yên tâm hơn để sản xuất, phát triển kinh tế. Kinh tế khấm khá, đời sống văn hóa của người dân cũng tiến bộ lên nhiều….Thế nhưng, để có được những thành công đó là hẳn một cuộc “cách mạng” đổi mới toàn diện, tiến bộ, cùng chung tay, góp sức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Cao Sơn.
Con đường từ trung tâm huyện lên xã cao sơn
Ngay từ những ngày đầu bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy xã Cao Sơn đã củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo, Ban quản lý và Ban phát triển xây dựng nông thôn mới. Trong đó, Ban chỉ đạo gồm 23 thành viên, Ban quản lý có 41 thành viên bao gồm cả cán bộ công chức và các trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận thôn...Để chương trình thực hiện có hiệu quả, chính quyền xã Cao Sơn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và đội ngũ tuyên vận viên cấp ủy cơ sở. Thông qua hệ thống truyền thanh xã; các buổi tiếp xúc đối thoại, họp dân, những nội dung cụ thể về chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới sẽ được truyền tải rộng rãi đến người dân. Hàng tháng, hàng quý, các thành viên trong Ban chỉ đạo sẽ báo cáo đánh giá về công tác thực hiện các tiêu chí; đồng thời trực tiếp xuống các địa bàn, các hộ gia đình để vận động, giải đáp những thắc mắc cho người dân để từ đó giúp nhân dân nắm bắt được mục tiêu, tầm quan trọng của công tác chung tay xây dựng nông thôn mới.
Thôn Cao Sơn là thôn có vị trí gần trung tâm của xã, đây là một trong ít thôn được Chính quyền xã lựa trọn để xây dựng “ Thôn nông thôn mới” trước khi nhân rộng mô hình này tại các thôn, bản trên địa bàn. Toàn thôn có 42 hộ, có 3 dân tộc anh em cùng sinh sống gồm: Nùng, Kinh, Mông, trong đó dân tộc Mông là đa số chiếm hơn 71%. Do trình độ dân trí còn thấp, nhận thức về các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước chưa đồng đều. Nhiều hộ dân còn chưa tích cực hưởng ứng các phong trào phát động của địa phương; việc chuyển đổi giống, cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm. Trước tình hình đó, Ban chỉ đạo xây dựng mô hình đã phân công trực tiếp cho các thành viên trong Ban công tác mặt trận thôn tích cực tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng, Pháp luật của Nhà nước, vận động nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống mới của khu dân cư, tích cực tham gia công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng nhà tiêu hợp, chuồng trại hợp vệ sinh.
Chợ phiên tại xã cao sơn
Chỉ sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, đến nay thôn Cao Sơn đã hoàn thành 9 trong tổng số 15 tiêu chí xã tự đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 66,6% kế hoạch đề ra. Thôn đã xây dựng được 1 nhà văn hóa thôn Cao Sơn với tổng vốn kinh phí 150 triệu đồng, dựa trên nguồn kinh phí của xã và người dân tự nguyện đóng góp; tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1, trẻ hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt 100%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học THPT từ 70% trở lên; hệ thống điện đảm bảo an toàn kỹ thuật; tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt 100%; số hộ trong thôn đạt gia đình văn hóa, thôn 5 năm liên tục đạt thôn văn hóa luôn đạt trên 80%....
Theo báo cáo từ năm 2011 đến nay, Đảng bộ và chính quyền xã Cao Sơn đã thành lập được nhiều mô hình về công tác xây dựng nông thôn mới kết hợp với các mô hình của ban ngành xã như: Mô hình “nhà sạch vườn đẹp”, “phụ nữ tự quản, thanh niên tự quản đương giao thông nông thôn “gia đình hạnh phúc”, “tiết kiệm theo gương bác” của hội liên hiệp phụ nữ xã; Mô hình”nuôi trâu sinh sản” của hội nông dân xã; Mô hình “thôn bản bình yên, gia đình hạnh phúc”, “mô hình tự quản về an ninh trật tự xã hội” của Ban công an xã. Qua nhiều năm thực hiện các mô hình đã phát huy hiệu quả, đặc biệt nhiều mô hình chở thành điểm sáng trong thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Ông Thào A Sáu – Chủ tịch UBND xã Cao Sơn, huyện Mường Khương cho biết: “ Do điều kiện địa hình phức tạp, hiểm trở, lại cách xa trung tâm huyện, trình độ dân trí không đồng đều chính là điều kiện gây khó khăn trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Bởi vậy, song song với huy động các nguồn lực tập thể để thực hiện các tiêu chí thì công tác tuyên truyền giữ một nhiệm vụ quan trọng. Thông qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân, phát huy sức mạnh toàn dân trong nhiệm vụ chung tay xây dựng nông thôn mới..”