Tại tỉnh Lào Cai, Chương trình OCOP đang được kỳ vọng sẽ tạo nên sức bật mới để thực hiện thành công chương xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã có 92 sản phẩm đạt sao OCOP được công nhận trên cơ sở của hàng nghìn ý tưởng trong 3 năm qua, đưa Lào Cai trở thành địa phương có nhiều sản phẩm đạt sao nhất khu vực miền núi phía Bắc. Từ sản phẩm tiêu biểu trở thành sản phẩm OCOP là quá trình nâng cao về chất lượng, giá trị hàng hóa, đẩy mạnh tiêu thụ và mở rộng liên kết.
Tuy nhiên trong 92 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, chỉ có 1 sản phẩm trong lĩnh vực du lịch đạt OCOP đó là "khu du lịch sinh thái vườn đá Tả Phìn" của hợp tác xã Tả Phìn Xanh được xếp hạng 4 sao OCOP năm 2019 (đây là sản phẩm dịch vụ du lịch thứ 2 trên toàn quốc được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP). Khu du lịch sinh thái vườn đá Tả Phìn cũng được UBND tỉnh ra quyết định công nhận là điểm du lịch tại Quyết định số 548/QĐ-UBND ngày 25/2/2021. Khu sinh thái vườn đá Tả Phìn đã gắn kết chặt chẽ các sản phẩm dịch vụ du lịch với việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số. Việc được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP đã mang lại nhiều lợi ích cho hợp tác xã Tả Phìn trong việc đảm bảo duy trì chất lượng sản phẩm theo tiêu chí OCOP, chính điều này tạo sự tin tưởng cho du khách khi sử dụng dịch vụ và các sản phẩm có rõ nguồn gốc xuất xứ. Tiêu chuẩn OCOP giúp nâng cao giá trị của điểm đến, giúp sản phẩm phát triển bền vững hơn và trở thành địa chỉ tin cậy cho khách du lịch.
Cổng vào khu du lịch sinh thái vườn đá Tả Phìn
Lào Cai đã phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng đã có trên 20 năm, một số ý kiến cho rằng việc có chỉ có 1 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP phải chăng Lào Cai chưa khai thác hết tiềm năng du lịch cộng đồng gắn với chương trình OCOP. Khi bắt đầu triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trên địa bàn thị xã Sa Pa có 40 cơ sở du lịch cộng đồng đăng ký tham gia. Tuy nhiên, qua rà soát, đánh giá và xét các tiêu chí thì hầu hết không đạt hoặc không phù hợp. Khó khăn lớn nhất là các cơ sở du lịch cộng đồng chưa thấy được lợi ích khi tham gia OCOP nên chưa quan tâm đầu tư xây dựng sản phẩm. Mặt khác, trước đây các cơ sở kinh doanh du lịch thường xếp hạng sao theo tiêu chí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên không mặn mà với xếp hạng sao OCOP. Trong khi đó các tiêu chí đánh giá của OCOP trong lĩnh vực du lịch còn chưa cụ thể, chưa rõ ràng dẫn đến khó khăn trong đánh giá, xếp loại, xây dựng các tiêu chí.
Tuy nhiên, không vì vậy mà cản trở việc xây dựng các sản phẩm du lịch đạt OCOP cấp tỉnh, bởi Lào Cai đang có nhiều cơ hội khi du lịch của tỉnh đạt được những tiêu chí của du lịch quốc gia, đứng đầu khu vực Tây Bắc và trong top 10 điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch trong nước và quốc tế. Trong đó, du lịch cộng đồng là sản phẩm đặc trưng, có nhiều lợi thể để phát triển thành sản phẩm OCOP vì đã được nhiều tổ chức tư vấn, giúp đỡ xây dựng thành sản phẩm đạt chuẩn ASEAN. Trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai quy hoạch, định hướng phát triển sản phẩm du lịch theo hướng bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan thiên nhiên; bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội; giải quyết tốt vấn đề môi trường, lao động, việc làm, đưa ngành du lịch trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Phát triển các sản phẩm du lịch có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh cao, trong đó ưu tiên xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với tiềm năng thiên nhiên, văn hóa của Khu du lịch quốc gia Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, đảm bảo tính bền vững, có khả năng thu hút khách chi tiêu cao và khách trở lại nhiều lần. Tỉnh Lào Cai cũng đã ban hành Kế hoạch số 254/KH-UBND ngày 26/9/2020 về phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn đến năm 2030 để định hướng cụ thể cho dòng sản phẩm du lịch cộng đồng.
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Lào Cai sẽ tập trung hoàn thiện nâng cấp sản phẩm tham gia OCOP đặc biệt là nhóm sản phẩm ngành dịch vụ du lịch. Với việc quan tâm, đầu tư và tham gia “sân chơi” OCOP sẽ giúp nâng tầm sản phẩm, quảng bá hình ảnh du lịch các địa phương, nâng thu nhập cho người dân, hướng tới phát triển du lịch và phát triển nông thôn bền vững.