Cách đây 5 năm, trong một chuyến đi tình nguyện cùng các cô giáo vùng cao, con đường đất nối từ xã Bản Cầm lên thôn Sà San, xã La Pan Tẩn (Mường Khương) trở thành một chướng ngại thực sự. Tháng 9, trời vào thu, những cơn mưa ngâu đã khiến con đường đất trở nên trơn trượt hơn bao giờ hết. Từng thớ đất đều ngậm nước, dễ dàng bong ra, bám chặt vào những chiếc bánh xe quay tròn, két lại ở thanh chắn bùn. Ở những đoạn xuống dốc, dù đã gài số 1, dù đã bóp phanh khét lẹt nhưng theo quán tính cộng thêm sự “hỗ trợ” từ những con đường dốc ngậm nước lâu ngày, chiếc xe cứ thế trượt xuống trong sự bất lực của người cầm lái. Tôi và những cô giáo vùng cao, những bạn thanh niên tình nguyện phải dựng xe ở cạnh đường, chia đồ đạc thành từng túi nhỏ để cùng nhau vận chuyển lên điểm trường trên thôn. Đối với giáo viên vùng cao, những con đường đất đỏ gần như là một thứ “đặc sản”, vừa gây ám ảnh suốt những năm tháng công tác, vừa gợi nhớ những kỉ niệm của những ngày gian khó cùng người dân trong bản.
Những con đường đất đỏ đã được mở rộng chuẩn bị đổ bê tông
Năm nay, trong một chuyến công tác, tôi có dịp quay lại La Pan Tẩn, con đường lên thôn có đoạn đã được đổ bê tông, có đoạn trải đá lởm chởm, có những đoạn mới đào để mở rộng cũng đang tươi màu đất mới… Con đường đất đỏ ngày nào cũng dần lùi vào quá khứ, sự mong mỏi của người dân vào những con đường kiên cố hơn đang dần thành hiện thực.
Cũng giống như Sà San, thôn Sùng Bang, xã Phìn Ngan nằm cheo leo trên đỉnh núi, trên tuyến đường đất nối từ xã Phìn Ngan đến xã Pa Cheo (Bát Xát). Con đường từ xã Phìn Ngan lên đến thôn Sùng Bang dài khoảng 7km, trước đây là con đường đất chỉ có thể chạy xe vào mùa nắng, mùa mưa người dân phải bì bõm lội bùn. Kể về con đường đất này, ông Tẩn Sành Tịnh, trưởng thôn San Bang nói: “Ngày xưa muốn đi tán gái phải gói cả cơm theo đấy, đường xa có đi được xe máy đâu. Nhà tôi ở xã Pa Cheo, ngày nhỏ thường đi chăn trâu ở bên này, quen biết với gia đình nhà vợ. Nhà vợ tôi có 5 người con gái, sau khi kết hôn nên tôi sang làm rể, sinh sống ở bên này luôn”. Câu chuyện phải “gói cơm đi tán gái” của ông Tịnh nghe có vẻ như đùa nhưng lại là một câu chuyện thật. Ông Tịnh bảo, ngày đó đường khó đi nên cứ đi đâu xa là phải gói cơm theo chứ không riêng gì chuyện trai gái hẹn hò. Và dường như, cũng bởi sự kiên trì “lặn lội đường xa” nên ông Tịnh được lòng “ông bố vợ có 5 cô con gái”, ông hứa gả con gái cho khi cả 2 đủ tuổi kết hôn. Từ ngày đó đến giờ, cũng đã hơn 20 năm trôi qua, con đường từ trung tâm xã lên thôn San Bang đã được đổ bê tông. Đường nối từ thôn San Bang sang xã Pa Cheo vẫn là con đường đất ngày nào ông Tịnh lùa trâu đi chăn. Ông Tịnh nói: “Để đổ bê tông cho quãng đường 7km, người dân trong thôn và các thôn lân cận đóng góp mỗi hộ 1,2 triệu đồng tiền mặt và hàng nghìn ngày công lao động. Ai cũng thấy đi mãi trên tuyến đường đất thì khổ quá, có xe cũng chỉ đi được những ngày nắng ráo, có công việc xuống xã cũng đi ròng rã mất nửa ngày trời nên người dân trong thôn ủng hộ. Con đường hoàn thành vào năm ngoái, có đường xe đi bon bon, chỉ mất khoảng nửa tiếng là lên đến thôn, người dân bán thảo quả, sa nhân cũng rất thuận lợi”.
Sau 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, khắp khu vực nông thôn của tỉnh Lào Cai, đã có trên 5.400km đường giao thông nông thôn được xây dựng, trong đó có 2.900km đường đổ bê tông, 1.400km đường cấp phối và mở mới 1.000km. Cùng với đó, còn rất nhiều những con đường đất khác đang chờ đợi được đầu tư, người dân mong ngóng sự đổi thay từ những con đường này. Sống ở nơi mỗi năm đều đặn 2 mùa khô và mùa lội, những con đường đất đỏ gánh trên mình những nỗi lo toan, gánh trên mình sự gian khổ theo từng bước chân người dân vùng cao.
Những con đường đất đỏ, là nơi mẹ quảy gánh lúa trên vai gánh về sân nhà, là nơi cha vác cày ra ruộng, là nơi anh lùa trâu lên nương, là nơi em bụm 10 đầu ngón chân vào mặt đất để đến trường. Những con đường đất đỏ, là hành trình những thầy cô bám bản đẩy xe, xỏ ủng đến từng nhà để vận động học sinh tới lớp, là nơi chú thợ điện oằn mình cõng từng cuộn dây lớn để mang ánh sáng tới bản xa, là nơi những chiếc xe tải, những chiếc máy xúc ì ạch leo dốc, san gạt… Rồi từ đó, những con đường trắng màu bê tông, những con đường đen màu nhựa mới rải, sẽ nối liền thôn với thôn, nối xã với xã, để các em nhỏ không phải bì bõm đến lớp mỗi ngày mưa, mẹ có thể chất từng bao thóc mới lên xe cho bố chở về nhà, để những chiếc máy gặt, máy tuốt lúa thay con người hì hụi đập lúa mỗi ngày mùa. Chẳng rõ là nghịch lí hay là thuận theo tâm lý của con người, khi những con đường đất đỏ dần lùi vào dĩ vãng, vào những ngày mưa, người ta lại trầm ngâm ngồi trước hiên nhà, xa xăm hoài niệm về những con đường đất đỏ.