Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định:
“Thắng lợi lớn của ngành nông nghiệp trong những năm qua được khởi nguồn từ việc mạnh dạn trao quyền cho nông dân, để nông dân được lựa chọn, được tự quyết định trong phát triển kinh tế nông nghiệp với sự hướng dẫn, giúp đỡ từ cơ quan Nhà nước. Giai đoạn tới, nông dân tiếp tục là chủ thể thực hiện các mô hình kinh tế, tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, tạo động lực để phát triển kinh tế nông nghiệp”
Trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân Bảo Thắng
Năm 2019 được đánh giá là một năm vượt khó thành công của ngành nông nghiệp với việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong bối cảnh sản xuất gặp nhiều khó khăn, thách thức. Với những ảnh hưởng tiêu cực từ biến đổi khí hậu, thiên tai, bệnh dịch cũng như biến động thị trường, sản xuất và tiêu thụ nông sản liên tục gặp những “chướng ngại” lớn. Tuy nhiên, các chỉ tiêu về sản xuất nông lâm nghiệp toàn tỉnh đã hoàn thành vượt mức kế hoạch giao. Tốc độ tăng trưởng ngành đạt 6,02%, cao gấp 2,6 lần so với bình quân cả nước, cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch hợp lý, tổng sản lượng lương thực có hạt tăng trên 6.000 tấn so với năm 2018, giá trị sản phẩm trên diện tích canh tác đạt 75 triệu đồng/ha, tăng 8,8% so với cùng kỳ, trồng rừng đạt 148% so với kế hoạch giao, tổng số xã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới là 52 xã, vượt kế hoạch đề ra… Đây cũng là năm quan trọng, tạo được những kết quả đột phá trong thực hiện Đề án số 01 về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, so với mục tiêu đề án đến năm 2020, trong tổng số 10 chỉ tiêu hiện đã có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 4 chỉ tiêu đạt trên 93%.
Một trong những thành tích tốt nhất của ngành nông nghiệp trong thời gian vừa qua không thể không kể đến thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới. Với chủ trương đúng đắn, lấy nhân dân là chủ thể, thực hiện theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, chương trình đã tạo sự đồng thuận lớn trong cộng đồng dân cư ở nông thôn. Qua đó, diện mạo nông thôn có những thay đổi đáng kể, những vùng quê “đáng sống” dần được hình thành, chất lượng cuộc sống người dân dần được nâng cao.
Chương trình nông thôn mới đã tập hợp được sức mạnh đoàn kết, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân. Đời sống của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Theo ông Bùi Công Khanh, Phó Chánh văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, hết năm 2019, toàn tỉnh có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã hoàn thành nông thôn mới toàn tỉnh lên 52 xã, bằng 36% tổng số xã, hoàn thành vượt mục tiêu Đề án và mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh trước 1 năm và vượt 8,3% so với mục tiêu Chính phủ giao đến năm 2020 (Trung ương giao đến năm 2020 có 28% số xã đạt chuẩn). Năm 2020, Lào Cai sẽ phấn đấu có thêm 6 xã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, vượt xa mục tiêu đề ra.
Năm 2020 là năm có ý nghĩa quan trọng, là năm về đích thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XV và kế hoạch 5 năm 2016 – 2020, năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025. Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra và phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, ngành nông nghiệp nỗ lực tạo “cú hích” để từng bước đổi mới nông nghiệp nông thôn. Để tạo sự đột phá, ngành nông nghiệp tập trung tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với quy mô phù hợp với lợi thế, nhu cầu của thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển các sản phẩm chủ lực xuất khẩu và các sản phẩm đặc thù, đặc hữu của địa phương. Bên cạnh đó, tiếp tục ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, quan tâm đến nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung.